Nga tung đòn đanh thép bằng tên lửa Kinzhal sau khi Ukraine nhận tiêm kích F-16

Hồng Anh |

Theo lực lượng không quân Ukraine, tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga đã tấn công gần căn cứ không quân Starokostiantyniv ở phía tây nước này. Vụ việc diễn ra ngay sau khi Kiev tiếp nhận lô chiến đấu cơ F-16 từ Hà Lan.

Nga tung đòn đanh thép bằng tên lửa Kinzhal

Các quan chức Ukraine cho biết, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa gần một sân bay quân sự lớn của Ukraine vào sáng 7/10 (theo giờ địa phương). Đây là một phần trong chiến dịch tấn công rộng rãi của Moscow nhằm làm suy yếu cơ sở hạ tầng quân sự và hệ thống phòng không của Ukraine.

Tên lửa Kinzhal được Nga trưng bày tại triển lãm ở Moskva hồi năm 2022. Ảnh: RIA Novosti

Theo lực lượng không quân Ukraine, tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga - có thể di chuyển với tốc độ gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, đã tấn công gần căn cứ không quân Starokostiantyniv ở phía tây nước này. Kh-47M2 Kinzhal là tên lửa siêu thanh của Nga có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, lần đầu tiên được triển khai vào năm 2018. Tên lửa này được trang bị cho máy bay chiến đấu MiG-31K, một phiên bản cải tiến của máy bay MiG-31. Kinzhal có thể đạt tốc độ lên tới Mach 10 với tầm bắn hơn 2.000 km.

Tên lửa Kinzhal có thể bay từ không phận Nga tới Ukraine trong vài phút, tùy thuộc vào vị trí phóng. Theo tính toán, nó có thể tấn công Kiev trong vòng 3,2 phút, Lviv trong 5,4 phút và các thành phố lớn khác như Odesa, Dnipro và Chernihiv trong vòng chưa đầy 5 phút. Với khả năng tấn công nhanh chóng như vậy, tên lửa này đã trở thành mối đe dọa lớn đối với Ukraine.

Trước đây, không quân Ukraine không thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo như Kinzhal. Nhưng kể từ khi tiếp nhận hệ thống Patriot, tất cả các tên lửa Kinzhal của Nga phóng vào Kiev hầu như đã bị đánh chặn thành công, Đại tá Serhiy Yaremenko thuộc Lữ đoàn tên lửa phòng không số 96 của Ukraine cho biết. Ông Yaremenko giải thích rằng, hệ thống Patriot có thể ngăn chặn nhiều mối đe dọa đạn đạo khác nhau, trong đó có Kinzhal, Iskander và các loại tên lửa khác.

Cuộc tấn công vào sân bay Starokostiantyniv ngày 7/10 diễn ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans, tuyên bố nước này đã chuyển giao cho Ukraine những tiêm kích F-16 đầu tiên.

Ukraine không tiết lộ mức độ thiệt hại sau vụ tấn công nhưng cho biết, căn cứ này thường xuyên bị Nga nhắm mục tiêu kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Ukraine cho biết, vào tháng 9/2024, Nga đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các thành phố, thị trấn của Ukraine. Moscow tiếp tục duy trì các hoạt động tương tự vào tháng 10.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng tại hai sân bay quân sự của Ukraine, song không nêu rõ vị trí của chúng. Điện Kremlin cho rằng, Starokostiantyniv là nơi chứa các máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây cung cấp cho Ukraine. Hiện Ukraine vẫn giữ bí mật về nơi họ đặt chiến đấu cơ F-16.

Tính toán của Nga

Các cuộc không kích của Nga trong khoảng một tháng qua chủ yếu sử dụng máy bay không người lái. Nhiều chuyên gia quân sự nhận định, đây là chiến lược nhằm thăm dò và làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine trước khi Moscow tiến hành những cuộc không kích mạnh mẽ hơn, sử dụng nhiều tên lửa hơn. Tổng thống Zelensky cho biết, Nga đã phóng khoảng 20 tên lửa và gần 400 máy bay không người lái vào Ukraine trong tuần qua.

Theo giới phân tích, việc thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mang lại một số lợi ích cho Nga. Thứ nhất, điều này buộc Ukraine phải sử dụng hết một số tên lửa dự trữ của họ để đánh chặn UAV. Thứ hai, vị trí của hệ thống phòng không Ukraine sẽ bị lộ trong quá trình họ bắn hạ máy bay không người lái, tạo điều kiện cho Nga lập kế hoạch cho các cuộc tấn công trong tương lai. Máy bay không người lái tấn công tương đối rẻ, với giá thành chỉ vài nghìn USD. Nhưng tên lửa đánh chặn được sử dụng để bắn hạ chúng lại đắt hơn rất nhiều.

Trong những tháng gần đây, Ukraine đã nhận được nhiều vũ khí phòng không hơn từ các đối tác phương Tây, nhưng kho vũ khí của nước này vẫn còn hạn chế. Khi Nga tiến hành các cuộc tấn công lớn trên không kết hợp với việc triển khai máy bay không người lái và tên lửa, họ thường áp đảo được hệ thống phòng không Ukraine.

Để tiết kiệm số lượng tên lửa phòng không hạn chế, Ukraine ngày càng tăng cường triển khai các nhóm cơ động nhỏ phân tán nhiều nơi có nhiệm vụ bắn hạ UAV bằng pháo phòng không như lựu pháo Gepard do Đức sản xuất.

Tuy nhiên, mỗi lần Ukraine kích hoạt radar để phát hiện máy bay không người lái rồi bắn vào chúng, họ lại để lộ vị trí của hệ thống phòng không và điều này cho phép Moscow lập bản đồ cũng như lên kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công phù hợp.

Ông Andrii Cherniak, người phát ngôn của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, cho biết Nga đã bắt đầu sử dụng một loại máy bay không người lái giá rẻ mới mang theo camera để xác định vị trí của hệ thống phòng không Ukraine. "UAV Nga đang cố gắng xác định vị trí các nhóm cơ động của chúng tôi - nơi có súng máy để tiêu diệt chúng”.

Nhiều nhà phân tích ở Ukraine dự đoán Nga sẽ tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này trước mùa đông, nhằm gây thiệt hại lớn cho Ukraine.

Để tăng cường hệ thống phòng không, Ukraine đã trông cậy vào tiêm kích F-16 có khả năng bắn hạ tên lửa đang bay tới. Đầu tháng 8/2024, chính quyền Kiev thông báo đã tiếp nhận 3 lô máy bay F-16 đầu tiên và họ đã sử dụng một số máy bay trong số này để bắn hạ tên lửa và UAV của Nga. Điều này đã khiến F-16 trở thành mục tiêu có giá trị cao đối với Nga. Trong suốt mùa hè, Moscow đã tăng cường ném bom vào các căn cứ không quân Ukraine được cho là địa điểm tiềm năng chứa tiêm kích F-16.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại