Nga từ chối phá huỷ tên lửa mới để “cứu” Hiệp ước INF

Khánh Minh |

Nga từ chối phá huỷ những tên lửa mới theo đề xuất của NATO để “cứu” Hiệp ước INF, khẳng định những tên lửa này không vi phạm Hiệp ước như NATO cáo buộc.

Nga sẽ đáp trả tương xứng trong trường hợp tên lửa tầm trung và tầm ngắn được triển khai tại các quốc gia NATO ở Châu Âu - ông Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang, nói với Sputnik hôm 6.7.

“Nếu vũ khí thuộc loại này xuất hiện trên lãnh thổ của các quốc gia NATO, chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng ngay lập tức. Chúng tôi sẽ không nhượng bộ cho ưu thế đó của NATO” - ông Dzhabarov nói.

Trước đó hôm 5.7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói sau cuộc họp Hội đồng NATO-Nga rằng liên minh sẽ đáp trả bằng biện pháp "phòng thủ" đã được thống nhất trong trường hợp chấm dứt Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) .

Theo thượng nghị sĩ Dzhabarov, ông Stoltenberg "gian giảo" khi nói rằng vẫn còn thời gian để cứu vãn Hiệp ước INF: “Thực sự đúng là vẫn còn thời gian, chúng tôi đã thông qua luật đình chỉ Hiệp ước INF, chứ không phải chấm dứt. Nhưng quả bóng hiện đang ở bên phía Mỹ, họ phải thực hiện bước đi tiếp theo, trong khi hiện tại họ vẫn im lặng. Stoltenberg hoàn toàn biết rõ rằng Mỹ sẽ không đi đến việc gia hạn thỏa thuận” - ông nói.

Ông Dzhabarov cho rằng, bằng những tuyên bố như vậy, Tổng thư ký NATO đang tìm cách đổ lỗi cho Nga trong việc đình chỉ Hiệp ước INF. "Họ muốn đổ lỗi cho Nga vì tất cả mọi thứ" - thượng nghị sĩ nói.

Ông Stoltenberg hôm 5.7 cho biết một lần nữa Nga từ chối phá hủy những tên lửa mới và điều này vi phạm Hiệp ước INF được ký kết năm 1987. Tại buổi họp báo, ông Jens Stoltenberg lấy làm tiếc rằng "Mátxcơva đã không cho thấy có chút thiện chí tuân thủ Hiệp ước".

Khối NATO yêu cầu Nga phá hủy hệ thống tên lửa mới 9M729 (NATO gọi là SSC-8) của nước này trước 2.8 - ngày Hiệp ước INF hết hiệu lực do việc Mỹ tuyên bố rút ra khỏi hiệp ước vì nghi ngờ Nga đã vi phạm. Những loại tên lửa mới này được cho là có khả năng mang các đầu đạn hạt nhân, có thể bắn tới các thành phố Châu Âu chỉ trong vòng vài phút và rất khó phát hiện.

Theo Tổng thư ký NATO, việc Nga từ chối phá hủy hệ thống tên lửa đó có nguy cơ gây ra những “hậu quả nghiêm trọng cho việc kiểm soát các loại vũ khí hạt nhân”. Ông cảnh báo, trong bối cảnh này, NATO không còn chọn lựa nào khác là phải “hành động”, nhưng khẳng định lập trường “NATO không có ý định triển khai hệ thống tên lửa mới có gắn đầu đạn hạt nhân tại Châu Âu”.

Ngay sau đó, phái đoàn đại diện Nga đã có phản ứng trong một thông cáo nêu rõ rằng, buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho sự biến mất của hiệp ước vũ khí hạt nhân là “không chính đáng”.

Thông cáo khẳng định: “Vì Mỹ rút ra khỏi hiệp ước, mà Nga không có ý định triển khai hệ thống tên lửa tương tự tại Châu Âu và nhiều vùng khác trừ phi các tên lửa tầm trung và ngắn của Mỹ được triển khai, do vậy chúng tôi yêu cầu các nước trong khối NATO cũng phải có một tuyên bố tương tự!”.

Chính quyền Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc tên lửa 9M729 vi phạm Hiệp ước INF , khẳng định rằng tên lửa này không được phát triển và không được thử nghiệm cho khoảng cách vượt quá giới hạn đã thiết lập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại