Nga triển khai cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật giữa lúc căng thẳng với phương Tây

Minh Hạnh |

Bộ Quốc phòng Nga xác nhận lực lượng thuộc Quân khu phía Nam đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật.

Khi công bố thông tin về cuộc tập trận một tuần trước đó, Bộ Quốc phòng Nga giải thích rằng hoạt động này được tiến hành nhằm mục đích răn đe trong bối cảnh leo thang liên tục giữa Mátxcơva và phương Tây, thể hiện khả năng ứng phó của Nga trước bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài.

Cuộc tập trận bao gồm hoạt động cung cấp vũ khí hạt nhân cho quân đội từ các địa điểm lưu trữ, trang bị tên lửa hạt nhân chiến thuật và chuẩn bị phóng tên lửa.

Quân đội Nga sẽ sử dụng hệ thống Iskander-M, có thể bắn tên lửa đạn đạo 9M723-1 hoặc tên lửa hành trình 9M728. Cả hai tên lửa đều có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật có sức công phá từ 5 đến 50 kiloton. Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng của Quân khu phía Nam cũng sẽ thực hành các hoạt động triển khai bí mật bằng cách sử dụng các hệ thống này như một phần của cuộc tập trận chuẩn bị phóng tên lửa.

Hình ảnh cuộc tập trận. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga

Hoạt động tập trận sẽ bao gồm việc trang bị vũ khí hạt nhân cho các tên lửa phóng từ trên không, bao gồm cả tên lửa siêu thanh Kinzhal hiện đại. Tên lửa Kh-47M2 Kinzhal và tên lửa hành trình Kh-32 được phóng từ máy bay ném bom Nga cũng có khả năng mang loại đầu đạn tương tự đầu đạn gắn trên tên lửa Iskander. Trong cuộc tập trận, máy bay Nga sẽ thực hiện nhiệm vụ tuần tra khi mang theo những tên lửa này.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng cho biết cuộc tập trận “nhằm duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của nhân sự và thiết bị của các đơn vị vũ khí hạt nhân phi chiến lược”. Tuyên bố nói thêm rằng các lực lượng Nga nên sẵn sàng đảm bảo “vô điều kiện” chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, trong bối cảnh “những tuyên bố và đe dọa” của một số quan chức phương Tây.

Mátxcơva đã công bố thông tin về cuộc tập trận vào đầu tháng 5, viện dẫn cái mà họ gọi là sự leo thang “mới” và “chưa từng có” trong cuộc xung đột với Ukraine. Điện Kremlin cũng chỉ ra những tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã nhiều lần từ chối loại trừ khả năng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai lực lượng ở Ukraine.

Những ý tưởng tương tự đã được lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Mỹ Hakeem Jeffries đưa ra. Ngoại trưởng Anh David Cameron mới đây cũng tuyên bố Kiev có quyền sử dụng vũ khí của Anh để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga. Mátxcơva đã triệu tập đại sứ Anh và cảnh báo về khả năng đáp trả những cuộc tấn công như vậy.

Bộ Ngoại giao Nga sau đó nói rằng cuộc tập trận nên được coi là một nỗ lực nhằm “làm nguội những cái đầu nóng” ở phương Tây.

Quân khu phía Nam - nơi diễn ra cuộc tập trận, bao gồm phần phía nam của nước Nga, chủ yếu nằm giữa Biển Đen và Biển Caspi. Có tổng cộng 19 khu vực thuộc quân khu này, bao gồm cả Crimea và bốn vùng lãnh thổ của Ukraine đã sáp nhập Nga vào mùa thu năm 2022 sau các cuộc trưng cầu dân ý, nhưng Kiev không công nhận.

Theo RT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại