Nga "thống trị Bắc Cực" với tàu phá băng trang bị vũ khí đầu tiên

Quang Hưng |

Được trang bị nhiều hệ thống vũ khí như một con tàu chiến, tàu phá băng Ivan Papanin được kỳ vọng sẽ thống trị vùng biển chiến lược này trong tương lai.

Tàu phá băng chiến đấu đầu tiên thuộc Dự án 23550 của Hải quân Nga, đã có bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu đưa vào hoạt động chính thức. Không giống như một tàu phá băng thông thường, Ivan Papanin được trang bị vũ khí và có thiết kế mở rộng để có thể bổ sung thêm hỏa lực trong tương lai, bao gồm cả việc triển khai tên lửa hành trình. Động thái này được xem là sự chuẩn bị của Nga, cho các cuộc đối đầu tiềm tàng trong tương lai ở khu vực Bắc Cực ngày càng mang tính chiến lược.

Nga "thống trị Bắc Cực" với tàu phá băng trang bị vũ khí đầu tiên- Ảnh 1.

Được hoàn thiện tại Xưởng đóng tàu Admiralty ở St. Petersburg, tàu phá băng chiến đấu Ivan Papanin hiện đã bắt đầu thử nghiệm trên biển tại khu vực nhà máy, theo một tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga, được hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin hôm 28/6. Một video đi kèm cho thấy tàu phá băng được đưa ra khỏi xưởng đóng tàu và ra vùng biển rộng bằng một cặp tàu kéo.

TASS cũng đưa tin rằng, thủy thủ đoàn của tàu đã hoàn thành khóa huấn luyện toàn diện với Hải quân Nga. Khóa học được cho là bao gồm các chương trình đặc biệt để huấn luyện về vận hành thiết bị và vũ khí của tàu thuộc dự án này trong điều kiện Bắc Cực.

Tàu Ivan Papanin sẽ gia nhập Hạm đội phương Bắc của Hải quân Nga, nhưng báo cáo mới nhất không cung cấp thông tin cập nhật về thời điểm diễn ra. Việc đưa con tàu vào hoạt động chính thức đã được lên kế hoạch từ năm 2023, nhưng rõ ràng là đã chậm trễ, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine.

Nga "thống trị Bắc Cực" với tàu phá băng trang bị vũ khí đầu tiên- Ảnh 2.

Tàu phá băng Dự án 23550

Điều đặc biệt về loại tàu này là khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, với nhiều loại vũ khí có thể được sử dụng. Đồng thời, số lượng vũ khí được trang bị có thể được điều chỉnh theo yêu cầu.

Trong cấu hình ban đầu, Ivan Papanin được trang bị một khẩu pháo chính AK-176MA 76mm đặt trên một tháp pháo ở mũi tàu, nhưng sau đó được thay thế bằng khẩu pháo A-190 100mm với hỏa lực mạnh hơn.

Ngoài ra còn có thể tùy chọn lắp đặt các bệ phóng container mang tên lửa hành trình chống hạm và tấn công mặt đất Klub hoặc Kalibr. Một không gian ở phía sau tàu được thiết kế riêng để chứa các bệ phóng tên lửa này, giúp tàu có khả năng tấn công nhiều mục tiêu trong phạm vi từ 1.500 km đến 2.500 km. Trong báo cáo của TASS, Ivan Papanin có thể mang thêm tám tên lửa hành trình Kalibr hoặc tên lửa chống hạm Uran trong hai bệ phóng container. Uran là tên lửa chống hạm nhỏ hơn, tầm bắn ngắn hơn, có tốc độ cận âm, về khái niệm gần giống với tên lửa Harpoon của Mỹ.

Tàu cũng có một bãi đáp trực thăng và một nhà chứa máy bay ở phía sau, đủ để hỗ trợ một trực thăng Ka-29. Thiết kế của tàu Ivan Papanin cho thấy sự thay đổi lớn so với các tàu phá băng truyền thống, vốn không được thiết kế cho các nhiệm vụ chiến đấu thực sự. Rõ ràng, Nga hy vọng những con tàu này có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu nếu cần.

Với lượng giãn nước 9.000 tấn, các tàu thuộc Dự án 23550 có thể phá vỡ lớp băng dày tới 1,5 m. Mặc dù con số này thấp hơn đáng kể so với khoảng 3 m mà một tàu phá băng hạng nặng có thể xử lý, nhưng do các tàu thuộc Dự án 23550 được thiết kế trên thân tàu nhẹ hơn, để có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.

Những con tàu ấn tượng nhất trong lực lượng tàu phá băng Nga gồm tàu phá băng thông thường Project 22600, tàu phá băng hạt nhân khổng lồ Project 22220, tàu chở dầu đa năng Project 03182 có khả năng đi trên băng. Ngoài ra còn có các tàu hỗ trợ có khả năng đi trên băng khác, cụ thể là loại Project 20180. Về mặt tiềm năng, một số tàu này cũng có thể được trang bị vũ khí trong tương lai để tạo ra một hạm đội có khả năng chiến đấu.

Nga "thống trị Bắc Cực" với tàu phá băng trang bị vũ khí đầu tiên- Ảnh 3.

Cuộc đua ở Bắc Cực

Tất cả những nỗ lực này cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực Bắc Cực đối với Nga. Do biến đổi khí hậu, ý nghĩa chiến lược của khu vực Bắc Cực đã tăng lên dần trong những năm gần đây.

Không chỉ Nga mà cả Mỹ, Canada và ở mức độ thấp hơn là Trung Quốc cũng như các nước khác đều đang tìm cách mở rộng sự hiện diện quân sự của họ ở Bắc Cực. Ở Nga, trong những năm gần đây đã có nhiều hoạt động mạnh mẽ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực để hỗ trợ tốt hơn cho việc triển khai tàu, máy bay và lực lượng mặt đất. Các tàu thuộc Dự án 23550 là tiên phong trong những nỗ lực này, đồng thời cho thấy vị thế ngày càng lớn của Nga trong lĩnh vực này khi so với đối thủ Mỹ.

Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát biển Mỹ vẫn đang lên kế hoạch đặt mua một tàu phá băng thương mại để hỗ trợ các hoạt động ở Bắc Cực. Cùng lúc đó, công việc chế tạo lớp tàu phá băng hạng nặng Polar Security Cutter mới gồm ba chiếc cho Cảnh sát biển vẫn dậm chân tại chỗ.

Nga "thống trị Bắc Cực" với tàu phá băng trang bị vũ khí đầu tiên- Ảnh 4.

Hiện Cảnh sát biển Mỹ chỉ còn lại một tàu phá băng hạng nặng đang hoạt động là USCGC Polar Star, con tàu ngày càng gặp nhiều sự cố trong quá trình hoạt động và bảo trì. Còn chiếc tàu phá băng hạng trung USCGC Healy có khả năng hoạt động khá hạn chế.

Hiện tại, Nga sở hữu một đội tàu phá băng và tàu có khả năng đi trên băng lớn hơn nhiều so với bất kỳ đối thủ nào. Hơn nữa, đội tàu đó đang phát triển và trong tương lai các lớp tàu phá băng chiến đấu của Nga sẽ thống trị vùng biển chiến lược này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại