Nga-Thổ "nên duyên" với S-400: Mỹ "đau đầu" nghĩ cách trừng phạt, chỉ có Israel đang "cười thầm"?

Quốc Vinh |

Giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ còn đang tranh cãi về thỏa thuận S-400, Israel đang lặng lẽ chờ đợi một lệnh trừng phạt dành cho Ankara.

Cuộc khủng hoảng nổ ra giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xoay quanh thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 của Nga có thể có tác động sâu rộng đến cả Israel – một quốc gia tưởng chừng như không hề liên quan, tờ Haaretz nhận định.

Washington mới đây đã đe dọa sẽ hủy bỏ đợt giao hàng tiêm kích tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu như Ankara không hủy bỏ thỏa thuận với Nga.

Quyết định cuối cùng của Mỹ liên quan đến F-35 sẽ ảnh hưởng đến vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông - và từ quan điểm của Israel, điều này cũng sẽ giúp họ loại bỏ một mối nguy hiểm tiềm tàng trong tương lai.

Trên thực tế, việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35 thậm chí có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp quân sự của Israel và các kế hoạch mua sắm trong tương lai cho không quân nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 8 quốc gia tham gia dự án F-35 của Mỹ ngay từ ban đầu và thậm chí còn có vị thế đặc biệt nhất.

Ankara đã cam kết mua ít nhất 116 chiếc máy bay và 2 chiếc đầu tiên do Lockheed Martin sản xuất đã được giao cho không quân Thổ Nhĩ Kỳ khoảng một năm trước. Cho đến đầu tuần vừa rồi, các phi công Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn được huấn luyện vận hành máy bay mới ở Mỹ.

Nhưng trong những tháng gần đây, căng thẳng đã nảy sinh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về thỏa thuận S-400, trị giá ước tính 2,5 tỷ USD và hẹn giao hàng vào tháng 7.

Người Mỹ lo ngại rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ có cả hệ thống phòng không của Nga và máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ, các điểm yếu của F-35 có thể bị lộ và thông tin này sẽ lọt vào tay người Nga.

Để xoa dịu tình hình, Thổ Nhĩ Kỳ hứa hẹn sẽ vận hành hệ thống Nga hoàn toàn tách biệt với các hệ thống vũ khí khác do Mỹ sản xuất.

Tuy nhiên Mỹ không hài lòng với giải pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cảnh báo nếu Ankara khăng khăng thỏa thuận với Moscow, Washington sẽ phải xem xét chấm dứt sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong dự án F-35.

Không chỉ không cung cấp máy bay, Mỹ sẽ còn đình chỉ hợp đồng với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ tham gia dự án.

Israel - nước có quan hệ căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ trong thập kỷ qua đã không đưa ra bình luận công khai nào về cuộc khủng hoảng S-400.

Sự khăng khăng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thông qua thỏa thuận Nga bất chấp các lời đe dọa của Mỹ sẽ đánh dấu Ankara như một đồng minh mới của Nga ở Trung Đông.

Còn với Israel, giới quan sát tin rằng, nước này sẽ cảm thấy ưng ý nếu người Mỹ ngừng cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ mới cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga-Thổ nên duyên với S-400: Mỹ đau đầu nghĩ cách trừng phạt, chỉ có Israel đang cười thầm? - Ảnh 1.

Israel có lý do để vui mừng khi Thổ Nhĩ Kỳ bị trừng phạt.

Israel không coi Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thù, nhưng sự thù địch là điều mà hai nước không hề che giấu trong thời gian qua.

Với sự đối đầu nói trên, chính quyền Thủ tướng Benjamin Netayanhju sẽ rất khó để dự đoán Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ phản ứng thế nào với các kịch bản trong tương lai, như leo thang xung đột giữa Israel và Hamas trong Dải Gaza.

Từ quan điểm của Israel, việc tạm dừng cung cấp máy bay cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phải là một quyết định tồi, khi nó không chỉ làm yếu đi sức mạnh quân sự của Ankara mà còn mang đến cơ hội về tiền bạc cho Tel Aviv.

Theo thỏa thuận giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, một trung tâm bảo dưỡng động cơ F-35 sẽ được thành lập ở Thổ Nhĩ Kỳ, được sử dụng bởi các lực lượng không quân trong khu vực.

Ngoài ra, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một số lượng lớn hợp đồng làm nhà thầu phụ trong dự án, trong khi Israel có Israel Aerospace Industries là nhà thầu phụ sản xuất cánh máy bay chiến đấu tàng hình.

Nếu các hợp đồng này bị hủy bỏ sau khi toàn bộ thỏa thuận được ký kết, nó sẽ tạo ra một khoảng trống cho các công ty Israel tham gia.

Đã có những động thái cho thấy Lầu Năm Góc và bộ Quốc phòng Israel sẽ tập hợp một gói đề xuất cho các thỏa thuận mới với các công ty quân sự của Israel.

Quyết định mới từ Mỹ sẽ giúp ngành công nghiệp quân sự của Israel trở thành nhà thầu phụ của dự án vũ khí lớn nhất và đắt nhất trên thế giới. Những hợp đồng này có thể trị giá hàng trăm triệu USD.

Mặc dù vậy, Israel có thể hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng S-400 hay không sẽ còn phải chờ đến tháng 7, khi những tranh cãi còn chưa ngã ngũ và Thổ Nhĩ Kỳ đang hy vọng Tổng thống Trump và Tổng thống Erdogan có thể tìm được giải pháp cuối cùng, tờ Haaretz nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại