Ngày 11/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói, Moskva sẽ đưa ra phản ứng quân sự đối với kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa tại Đức của Mỹ.
"Nga sẽ phản ứng một cách chuyên nghiệp về việc Mỹ triển khai tên lửa đến Đức. Bộ Quốc phòng Nga đã bắt đầu giải quyết vấn đề này" , Thứ trưởng Ryabkov nói. Ông cũng cho biết rằng phản ứng của Moskva sẽ dựa trên hệ thống vũ khí Mỹ đưa đến Đức.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Nga, các hệ thống tên lửa tầm xa mà Mỹ dự kiến triển khai đến Đức gồm có phiên bản mặt đất của tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa phòng không tầm xa SM-6.
Trước đó, ngày 10/7, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ triển khai tên lửa tầm xa đến Đức vào năm 2026 và vấn đề này đã được lãnh đạo hai bên nhất trí. Những vũ khí này bao gồm hệ thống tên lửa SM-6 và Tomahawk.
Theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (1987), cả Nga và Mỹ đều bị cấm triển khai các loại tên lửa tấn công tầm trung có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên đến năm 2019, Washington đã đơn phương rút khỏi hiệp ước này.
Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa các quan chức Mỹ và Đức tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO ở Washington ngày 10/7.
Tên lửa phòng không SM-6 được Lầu Năm Góc giới thiệu có tầm bắn lên tới 460 km (290 dặm) và tên lửa hành trình Tomahawk được cho là có thể tấn công mục tiêu cách xa hơn 2.500 km.
Nhà Trắng cho biết "vũ khí siêu thanh đang được phát triển" cũng sẽ được triển khai tại Đức và sẽ có "tầm bắn xa hơn đáng kể so với các loại vũ khí tấn công hiện tại ở châu Âu".
Hiện tại quân đội Mỹ vẫn chưa đưa vũ khí siêu thanh vào trang bị. Trong khi đó các dự án được phát triển từ năm 2017 đều đã bị hủy bỏ.
Việc triển khai các loại vũ khí mà Mỹ-Đức đề cập đến châu Âu bị cấm theo hiệp ước INF, vốn được Mỹ ký với Liên Xô từ năm 1987, cấm hai bên phát triển và triển khai các loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500 km.
Mỹ đã rút khỏi hiệp ước INF vào năm 2019 với lý do rằng một số tên lửa hành trình của Nga đã vi phạm thỏa thuận. Moskva đã phủ nhận cáo buộc này và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump việc phá bỏ hiệp ước sẽ "gây ra hậu quả nghiêm trọng".
Sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước INF, Nga vẫn tiếp tục tuân thủ hiệp ước và tạm dừng phát triển tên lửa tầm trung. Tuy nhiên, đầu tháng 7, Tổng thống Putin bất ngờ đưa ra tuyên bố rằng ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ tiếp tục phát triển các loại vũ khí tấn công tầm trung nhằm đáp trả "hành động thù địch" của Mỹ.
“Chúng ta nắm được thông tin Mỹ không chỉ sản xuất các hệ thống tên lửa tầm trung mà còn đưa chúng đến châu Âu, Đan Mạch để thử nghiệm trong các cuộc tập trận. Gần đây nhất Washington còn đưa ra kế hoạch triển khai tên lửa đến Philippines” , Tổng thống Putin nói.