Nga rút quân khỏi Syria: Vì sao nói Moscow hoan hỉ còn Bắc Kinh sẽ bị phen "méo mặt"?

Thủy Thu |

Ngày 11/12, Tổng thống Vladimir Putin tới thăm căn cứ không quân Hmeymim tại Syria và bất ngờ đưa ra yêu cầu Nga rút quân khỏi Syria.

Theo Tổng thống Putin, việc Nga rút quân khỏi Syria là do các mục tiêu đặt ra của Moscow nhìn chung đã hoàn thành.

"Dưới sự hỗ trợ của quân đội Nga, lực lượng vũ trang Syria đã đạt được bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống khủng bố và giành được thế chủ động trên hầu hết các mặt trận", ông Putin nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhấn mạnh thêm, hiện nay Syria giải phóng được 400 khu vực dân cư đông đúc cùng hơn 10.000 km2 lãnh thổ.

Trước đó, ngày 7/12, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Tướng Valery Gerasimov tuyên bố, mọi căn cứ của Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria đã bị phá hủy. "Syria hoàn toàn được giải phóng khỏi IS", ông này nói.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, chiến thắng tại Syria có thể giúp Nga "mở cờ" nhưng lại có thể khiến Trung Quốc "méo mặt".

Một số ý kiến cho rằng, Moscow tuyên bố chiến thắng nhưng chỉ khẳng định đã hủy diệt các căn cứ của IS ở Syria chứ không phải toàn bộ lực lượng IS ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Và giống như một "tổ ong vò vẽ", khi bị đánh tan ở Syria, các tay súng IS còn lại sẽ lẩn trốn sang các khu vực khác.

Do bị tấn công nên lực lượng IS ở Iran-Iraq-Syria đã kết nối với nhau, một mặt tăng cường thâm thập vào các nước trong khu vực Trung Đông và các quốc gia thuộc liên minh châu Âu, một mặt tích cực phá vòng vây phía Tây Nam, lập căn cứ mới ở bán đảo Sinai, Ai Cập.

Ngày 24/11, lực lượng trung thành với IS đã thực hiện một vụ đánh bom và xả súng kinh hoàng tại nhà thờ Hồi giáo Al Rawdah, bán đảo Sinai, Ai Cập. Hiện nay, do chính phủ Ai Cập đánh mất quyền kiểm soát nên phần lớn bán đảo Sinai đã trở thành căn cứ của các tổ chức cực đoan, trong đó có chi nhánh của IS. Sự kiện tại Ai Cập cho thấy, đây có thể là một thay đổi chiến lược mang tính bước ngoặt của IS.

Ngoài ra, các tay súng IS có thể "khuếch trương thế lực" theo hướng Đông như Afghanistan. Thực tế, chi nhánh IS ở Afghanistan đã xuất hiện tại tỉnh Nangarhar và Kunar từ năm 2015. Sau đó các tay súng IS đã di chuyển theo hướng Bắc tới tỉnh Jowzjan. Tổ chức này cũng từng nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn ở thủ đô Kabul, Afghanistan.

Như vậy, có thể thấy, sau khi bị đánh bại ở Syria và Iraq, IS có khả năng sẽ "phát triển" tại Afghanistan. Điều này hoàn toàn bất lợi cho Pakistan và Trung Quốc, những quốc gia láng giềng của Afghanistan.

Thực chất, trước khi IS phát triển mạnh mẽ ở Pakistan, các cơ quan và công dân của Trung Quốc ở nước sở tại đã từng là mục tiêu tấn công của tổ chức khủng bố.

Ngày 8/12 mới đây, Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Islamabad đã ra thông báo khuyến cáo các tổ chức và công dân nước này sinh sống tại Pakistan cần nâng cao cảnh giác với nguy cơ bị tấn công khủng bố. Hồi tháng 6 vừa qua, hai công dân Trung Quốc đã bị lực lượng vũ trang ủng hộ IS bắt giữ và giết hại tại Quetta, Pakistan.

Giới chuyên gia cho rằng, nếu lực lượng IS triển khai kế hoạch "Đông tiến" thì nội địa Trung Quốc, đặc biệt là Tân Cương sẽ đối mặt với cuộc chiến chống khủng bố ngày càng cam go và khốc liệt.

Tân Cương là khu vực sinh sống chủ yếu của người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã từng chấn động khi các tay súng IS có nguồn gốc Duy Ngô Nhĩ tuyên bố sẽ về nước và khiến "máu chảy thành sông".

Tuyên bố trên được coi là "lời đe dọa trực tiếp đầu tiên" mà IS gửi tới chính quyền Bắc Kinh. Chuyên gia về Tân Cương, Đại học Quốc gia Australia Michael Clarke nhận định, điều này cho thấy Trung Quốc rõ ràng đã trở thành "mục tiêu chắc chắn" của IS.

Tổng thống Nga Putin ra lệnh rút quân khỏi Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại