Nga phá kỷ lục năng lượng dưới lệnh trừng phạt của phương Tây

Bạch Dương |

Lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga khai phá thị trường xuất khẩu năng lượng mới đầy tiềm năng.

Nga đã lập kỷ lục mới về xuất khẩu năng lượng trong thời gian chịu lệnh trừng phạt của phương Tây - chuyên gia Malt Humpert, một nhà phân tích của ấn phẩm High North News đưa ra nhận xét nói trên.

Trong khi các nước châu Âu áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt chống lại Nga và giảm nhập khẩu nhiên liệu từ quốc gia này trong năm 2022, Moskva đã phá kỷ lục về cung cấp dầu khí cho Trung Quốc. Do đó Nga vẫn giữ được phần nào doanh thu năng lượng và mở rộng ảnh hưởng kinh tế, tác giả cho biết.

"Dữ liệu xác nhận rằng Nga vẫn có khả năng tìm được những người mua không áp đặt các lệnh trừng phạt của phương Tây, Moskva đã thay thế một phần đáng kể khối lượng nhiên liệu trước đây nước này vẫn xuất khẩu sang EU và chuyển hướng sang những người mua mới ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ", bài báo viết.

Vào năm 2022, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trong việc mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến từ các mỏ tại vùng Bắc Cực và Viễn Đông của Nga.

Trong số khoảng 30 lô hàng LNG từ dự án Yamal LNG Arctic dành cho châu Á, Trung Quốc nhận được phần lớn. Trong nửa đầu năm 2022, nhập khẩu LNG của Bắc Kinh từ Yamal LNG ở Bắc Cực thuộc Nga và dự án Sakhalin 2 ở Viễn Đông đã tăng 22%, lên 1,84 triệu tấn. Và riêng trong tháng 11, Trung Quốc đã nhập khẩu 852 nghìn tấn LNG, chủ yếu từ Yamal LNG và Sakhalin-2.

Tương tự, lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2022. Các chuyến hàng dầu thô từ Nga tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến Moskva trở thành nhà cung cấp lớn nhất của Bắc Kinh, vượt qua Saudi Arabia.

Nga phá kỷ lục năng lượng dưới lệnh trừng phạt của phương Tây - Ảnh 1.

Nga được cho là vẫn giữ vững doanh thu từ xuất khẩu năng lượng nhờ mặt hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất khẩu sang Trung Quốc.

Như nhà phân tích lưu ý, mức xuất khẩu năng lượng kỷ lục của Nga là do Moskva bắt đầu tăng đáng kể nguồn cung cho Trung Quốc từ năm 2021. Vì vậy khi EU cắt giảm nhập khẩu gần 50%, Nga đã có thể giữ lại phần lớn doanh thu từ nhiên liệu.

Ngoài ra, kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ, Trung Quốc đã chi 68 tỷ USD cho việc nhập khẩu các nguồn năng lượng từ Nga, tăng gần 50% so với một năm trước đó. Chuyên gia của tờ High North News lưu ý rằng Liên bang Nga tiến hành kinh doanh khí đốt tự nhiên hóa lỏng đặc biệt có lãi.

"Ngoài việc tăng cường xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc, Nga cũng đang theo đuổi thành công chiến lược thay thế khí đốt giá rẻ bằng LNG đắt tiền hơn, gửi nguồn nhiên liệu khai thác từ Bắc Cực đến cả châu Âu và châu Á. Trong một số trường hợp, giá LNG có thể cao gấp 5 - 10 lần so với khí được vận chuyển qua đường ống", bài báo nhấn mạnh.

Nhà báo Humpert nói thêm, chính phủ Nga sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc tăng doanh số bán LNG. Moskva gần đây đã tăng thuế suất đối với các nhà xuất khẩu LNG lên 34%, dự kiến ​​sẽ mang lại thêm 3,5 tỷ USD nộp vào ngân sách liên bang trong năm 2023.

Theo High North News

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại