Vaccine Sputnik V của Nga. Ảnh: Reuters
Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và sau đó đã lan tới một số quốc gia khác. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại Omicron là biến thể đáng lo ngại. WHO cho biết, các bằng chứng ban đầu cho thấy biến thể mới làm tăng nguy cơ tái nhiễm ở những bệnh nhân Covid-19. Sẽ mất vài tuần để biết liệu các loại vaccine hiện tại có giảm hiệu quả trước biến thể Omicron hay không.
Nga đã nhanh chóng phát triển vaccine Sputnik V hai liều vào năm 2020 và đã triển khai vaccine Sputnik Light một liều. Cả hai loại vaccine đều đã được chứng minh có hiệu quả cao trong các thử nghiệm nhưng vẫn đang chờ sự phê duyệt từ WHO.
Ngày 29/11, Nga cho biết, vaccine Covid-19 của họ do Viện Gamaleya phát triển có thể ngăn chặn biến thể Omicron và nước này sẵn sàng sản xuất hàng trăm mũi tiêm tăng cường.
"Viện Gamaleya tin rằng vaccine Sputnik V và Sputnik Light sẽ vô hiệu hóa biến thể Omicron vì chúng có hiệu quả cao nhất với các đột biến khác. Trong trường hợp cần tới sự điều chỉnh, phiên bản mới của Sputnik cho biến thể Omicron có thể được sản xuất quy mô trong 45 ngày tới. Hàng trăm triệu liều vaccine phiên bản mới sẽ được cung cấp vào tháng 2/2022", Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), nơi quảng bá vaccine Covid-19 của Nga ra nước ngoài, cho biết trên Twitter.
Trước đó, Điện Kremlin cho biết cần có thêm dữ liệu trước khi đưa ra kết luận về biến thể Omicron.
“Chúng tôi thấy rằng những phản ứng trên thị trường hiện nay đều mang tính cảm xúc, không dựa trên bằng chứng khoa học. Cả thế giới đang cố gắng tìm hiểu mức độ nguy hiểm của biến thể mới”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói./.