Ngày hôm qua (19/3), Nga đã tiếp tục phản bác cáo buộc đầu độc của Anh trong vụ việc, yêu cầu đưa ra bằng chứng Moskva có liên quan tới các chất độc thần kinh được sử dụng. Được biết, nhiều chuyên gia vũ khí trên thế giới đã được điều động để kiểm tra dấu vết hóa học.
Sự kiện này đã làm mối quan hệ giữa London và Moskva xuống dốc nhanh chóng ngay trước kì bầu cử tổng thống Nga mà ông Putin tham gia với tư cách ứng viên độc lập.
Ngay khi Liên minh Châu Âu (EU) lên tiếng sẽ đứng về phía Anh, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của ông Putin, tuyên bố: "Sớm hay muộn những cáo buộc này cũng phải đi tới hồi kết: hoặc đưa ra những bằng chứng xác thực, hoặc chuẩn bị tinh thần xin lỗi nước Nga."
Hôm Chủ nhật (18/3), ông Putin đã phủ nhận các cáo buộc "phi lí" từ London và các đồng minh rằng Nga đứng đằng sau vụ mưu sát cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia tại thành phố Salisbury, Anh.
Sau đó, Thủ tướng Anh Theresa May tiếp tục cáo buộc Nga qua thông điệp: "Họ có khả năng làm điều đó. Chất độc thần kinh trong vụ mưu sát thuộc nhóm Novichok là loại từng được phát triển dưới thời Liên Xô."
Tuần trước, Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, buộc Moskva có hành động đáp trả tương tự.
Trong lời phát biểu đầu tiên về vụ việc, ông Putin tuyên bố nước Nga đã "tiêu hủy hoàn toàn mọi vũ khí hóa học" và cam kết sẽ hỗ trợ điều tra vụ việc tới cùng.
Khi tới Brussel để dự cuộc đối thoại EU, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson một mực khẳng định: "Họ [Nga] không thể lừa được ai thêm nữa. Đây là chiến lược thường thấy của nước Nga trong việc che giấu sự thật bằng những lời nói dối."
Ông Johnson tuyên bố đã có bằng chứng Nga liên quan trong vụ việc, nhưng không đi vào cụ thể.