Các nhà đàm phán Ukraine và Nga đã gặp trực tiếp tại TP Istanbul cuối tháng trước. Nga khi đó tiếp nhận các phác thảo điều kiện của Ukraine dưới dạng “thoả thuận” và gửi lại cho Kiev. Tuy nhiên, Ukraine sau đó lại đưa ra những ý tưởng “hoàn toàn khác biệt” mà ông Lavrov nói đây là “bước lùi lớn”.
“Chúng tôi biết chắc cả Mỹ và Anh, nước đang cố gắng bù đắp tình trạng đơn độc sau khi rời EU, đều không khuyên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thúc đẩy đàm phán, mà thay vào đó là duy trì lập trường cứng rắn. Thay đổi đột ngột sau hội nghị ở Istanbul được thực hiện theo lời khuyên của Mỹ hoặc Anh. Có lẽ Ba Lan và các nước Baltic cũng đóng vai trò nào đó” - Bộ trưởng Lavrov nói trong chương trình trò chuyện chính trị "Cuộc chơi lớn" trên kênh Channel One (1TV) của Nga.
Bà Christine Lambrecht ôm Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov trong cuộc họp thảo luận về việc cung cấp vũ khí tại căn cứ không quân Ramstein. Ảnh: EPA
Trong khi đó, Đức cuối cùng cũng chấp thuận chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine sau nhiều tuần trì hoãn. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht thông báo việc chuyển giao khoảng 50 hệ thống phòng không Gepard cho Ukraine trong cuộc họp tại căn cứ không quân Ramstein trong ngày 26-4.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì cuộc họp trên tại căn cứ không quân Ramstein, nơi quy tụ các bộ trưởng quốc phòng từ 40 quốc gia với mục đích cung cấp vũ khí cần thiết cho Ukraine.
Chính quyền ông Scholz đối mặt áp lực ngày càng tăng buộc phải thay đổi chiến lược, đặc biệt là kể từ khi các quốc gia khác - dẫn đầu là Mỹ và Anh - bắt đầu cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev. Pháp và Canada cũng đã đồng ý cung cấp pháo tầm xa và vũ khí tấn công chính xác cho Ukraine.
Theo tờ Express, chính phủ Đức cũng muốn hỗ trợ Hà Lan và Mỹ trong việc huấn luyện binh sĩ Ukraine cách sử dụng các hệ thống pháo được viện trợ từ kho dự trữ nước ngoài.
Hệ thống phòng không Gepard. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đức
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov cáo buộc NATO đang tiến hành chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraine sau khi cung cấp vũ khí cho nước này.
Theo đài RT, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov hôm 25-4 cho biết quân đội Nga đã phá hủy 6 nhà ga đường sắt ở các khu vực miền Tây Ukraine gồm Krasnoye, Zdolbunov, Zhmerinka, Berdichev, Kovel và Korosten.
Theo ông Konashenkov, đây là các nhà ga điều hành những tuyến đường sắt đang được sử dụng để vận chuyển vũ khí, khí tài của nước ngoài cho lực lượng Ukraine ở Donbass. Theo đài RT, ông Konashenkov cho hay quân đội Nga cũng không kích phá hủy 27 mục tiêu quân sự khác của Ukraine, trong đó có 4 trung tâm chỉ huy.