Nga muốn Mỹ không công khai điện đàm giữa 2 tổng thống

Phạm Nghĩa |

Điện Kremlin hôm 27-9 bày tỏ hy vọng chính quyền Mỹ sẽ không công bố các cuộc trò chuyện riêng tư giữa lãnh đạo hai nước giống như đã làm với Ukraine.

Nhà Trắng hôm 25-9 công bố bản ghi âm cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Nội dung cuộc điện đàm hồi tháng 7 cho thấy Tổng thống Trump đã thảo luận với người đồng cấp Ukraine về việc giúp điều tra hoạt động kinh doanh của gia đình cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hôm 27-9, khi được hỏi Moscow có lo ngại Nhà Trắng sẽ công bố các cuộc trò chuyện riêng tư giữa Tổng thống Trump với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời: "Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra trong mối quan hệ của chúng tôi - vốn đã gặp rắc rối bởi rất nhiều vấn đề".

Ông Peskov nói thêm việc Nhà Trắng tiết lộ cuộc điện đàm Trump – Zelenskiy là vấn đề nội bộ của Mỹ nhưng được cho là "khá bất thường". "Những tài liệu liên quan đến hội thoại giữa các nguyên thủ quốc gia thường được phân loại là tài liệu mật theo thông lệ quốc tế" – ông Peskov giải thích.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: "Hãy để họ công bố bản ghi âm các cuộc hội thoại giữa các đồng minh NATO. Sẽ rất hữu ích nếu công bố biên bản các cuộc họp kín tại CIA, FBI và Lầu Năm Góc. Cho tất cả lên sóng!".

Bà Zakharova cũng chế giễu quyết định mở cuộc điều tra luận tội của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, giống như tạo ra "một trò cười". Tương tự, Tổng thống Putin và các quan chức Moscow từng chế giễu công tố viên đặc biệt Robert Mueller về việc ông điều tra nghi án Điện Kremlin can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Trong một diễn biến khác, liên quan tới căng thẳng Nga – Ukraine, Belarus đang tranh thủ sử dụng mối quan hệ kinh tế bị tác động bởi lệnh trừng phạt của hai nước này để đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loại hàng hóa sang Ukraine.

Theo trang tin BelarusFeed, hôm 24-9, Công ty khí đốt nhà nước Naftogaz của Ukraine thông báo họ bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Belarus, qua đó cung cấp 30.000 tấn nhiên liệu diesel do Nhà máy lọc dầu Mozyr sản xuất cho thị trường Ukraine trong tháng 9.

Belarus gần đây đã thay thế Nga để trở thành nhà cung cấp phân bón lớn nhất cho Ukraine, sản lượng hiện đạt 200 triệu USD. Trong nửa đầu năm 2019, Belarus - nhà cung cấp than lớn nhất cho Ukraine – cũng vận chuyển 1 triệu tấn than trị giá 83 triệu USD, với khối lượng tăng gần gấp 5 lần so với năm ngoái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại