Nga xác nhận tổn thất khi "mất" thị trường khí đốt châu Âu: Ông lớn Trung Quốc không bù đắp nổi

Hữu Hiển |

Theo số liệu mới nhất, việc Nga bán khí đốt cho Trung Quốc vẫn chưa bù đắp được tổn thất thương mại với châu Âu do các lệnh trừng phạt gây ra.

Theo trang Newsweek, khí đốt là một trong những mục tiêu trừng phạt của phương Tây đối với Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2/2022, khiến các nước ở châu Âu phải tìm nguồn nhiên liệu khác.

Để đáp lại, Moscow đã tìm cách hướng tới các thị trường mới và tăng cường quan hệ thương mại với các quốc gia thân thiện, đặc biệt là Trung Quốc.

Mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Bắc Kinh đã khiến Alexei Miller - Chủ tịch tập đoàn khí đốt nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga - phát biểu vào tháng 10/2023 rằng, nguồn cung cấp khí đốt cho Trung Quốc có thể "đạt mức mà chúng tôi từng xuất khẩu sang Tây Âu".

Tuy nhiên, một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga công bố hôm 29/1 cho thấy, nguồn cung sang Trung Quốc không đủ bù đắp cho những mất mát từ động thái rời bỏ của khách hàng châu Âu.

Nga xác nhận tổn thất khi

Khai thác khí đốt ở Siberia, Nga, vào tháng 3/2006. Nga đã quay sang bán khí đốt cho Trung Quốc sau khi các lệnh trừng phạt khiến châu Âu từ chối nguồn cung cấp nhiên liệu từ Moscow. Ảnh: Getty

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, vào năm 2023, vận chuyển khí đốt tự nhiên qua đường ống "Sức mạnh Siberia" từ Yakutia đến lãnh thổ Primorsky của Nga sang Trung Quốc đã tăng 7 tỷ m3, lên mức 23 tỷ m3, gấp 1,5 lần so với một năm trước đó.

Tuy nhiên, việc này chỉ "bù đắp một phần cho sự sụt giảm của Nga thông qua các đường ống dẫn khí tới châu Âu", báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga cho biết. Lượng sụt giảm từ 38 tỷ m3 xuống còn 30 tỷ m3.

Vào tháng 12/2023, Gazprom cho biết, sản lượng khí đốt trong nửa đầu năm 2023 đã giảm gần 1/4, xuống còn 179,45 tỷ m3, và cho rằng sự sụt giảm này là do "các quyết định có động cơ chính trị nhằm từ bỏ nhập khẩu khí đốt của Nga".

Theo Reuters, sản lượng khí đốt của Nga trong cả năm 2023 là 404 tỷ m3, thấp hơn khoảng 9% so với một năm trước đó do xuất khẩu sang châu Âu giảm.

Grzegorz Drozdz - nhà phân tích thị trường tại Invest.Conotoxia.com - nói với Newsweek rằng: "Bất chấp nỗ lực tìm kiếm khách hàng khác cho nguyên liệu thô của Nga, chúng tôi nhận thấy sự sụt giảm tổng thể về khối lượng xuất khẩu từ Nga."

Ông nói: "Nhập khẩu khí đốt từ Nga đã giảm 65% kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu. Các nước châu Âu, đặc biệt là ở Tây Âu, đã tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Na Uy và khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ."

"Có lẽ điều thú vị là dòng khí đốt hiện tại từ Nga đến châu Âu kể từ khi bắt đầu chiến sự vẫn tồn tại thông qua đường ống dẫn khí qua Ukraine, hiện đã giảm 56%, và thông qua đường ống Turkstream tăng 23%", Drozdz nói thêm.

Theo Newsweek, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak trong tuần trước cho biết, châu Âu tỏ ra không quan tâm đến việc mua khí đốt từ Nga sau khi hợp đồng trung chuyển khí đốt với Ukraine - nước vận chuyển nhiên liệu đến châu Âu - hết hạn vào cuối năm nay.

Ông Novak nói: "Chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu. Nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy nguyện vọng như vậy [của họ]."

Trong khi đó, tờ Financial Times đưa tin rằng, theo Mông Cổ - quốc gia có lãnh thổ mà đường ống dẫn khí đốt "Sức mạnh Siberia 2" tới Trung Quốc sẽ đi qua, việc xây dựng đường ống dài hơn 3.200 km này dự kiến khởi công trong năm nay đã bị trì hoãn để chờ thêm các nghiên cứu kinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại