Theo Defense Express, trong tuần trước (24-30/6), lực lượng Nga đã sử dụng bom hiếm FAB-500T được trang bị mô-đun điều chỉnh và lập kế hoạch phổ quát (UMPK), trong 2 cuộc tấn công vào khu vực Kharkov. Trong cả 2 vụ tấn công, bom không phát nổ.
Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng bom FAB-500T trang bị mô-đun UMPK kể từ khi xung đột bùng phát.
Không giống như biến thể FAB-500M62 tiêu chuẩn mà Nga đã sử dụng trong cuộc xung đột hiện nay, bom FAB-500T có trọng lượng nổ thấp hơn một chút (chỉ 260kg, trong khi biến thể tiêu chuẩn là với 300kg). Ngoài ra, nó còn có thiết kế mang lại hiệu suất khí động học vượt trội trong suốt hành trình bay.
Điều đáng chý ý nhất là biến thể FAB-500T thường được triển khai trên máy bay trinh sát và tấn công như MiG-25RB có thể đạt tốc độ lên tới 3000km/h.
Chữ “T” trong FAB-500T mang ý nghĩa “khả năng chịu nhiệt”. Những quả bom này được thiết kế để chịu được áp suất nhiệt liên quan đến việc máy bay mang loại bom này di chuyển với tốc độ lên tới 3.000km/h.
Một số nguồn tin cho rằng FAB-500T, nhờ thiết kế khí động học đặc trưng, có thể lướt đi quãng đường 30-40 km mà không cần thiết bị phụ trợ.
Trong một đoạn video hồi tháng 3 năm nay, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đang tăng tốc sản xuất bom FAB-500T. Điều này cho thấy, những quả bom mà Nga sử dụng trong cuộc tấn công ở không phải là vũ khí di sản từ thời Liên Xô, mà là những quả bom được sản xuất mới.
Defense Express cho rằng Nga sử dụng bom FAB-500T có tích hợp mô-đun UMPK vì Moscow cần loại vũ khí có thể tấn công vào lãnh thổ Ukraine ở tầm xa hơn so với bom FAB-500M62 tiêu chuẩn được trang bị cùng một mô-đun.