Financial Times trích dẫn dữ liệu theo dõi tàu và hình ảnh vệ tinh, 3 tàu vận đã chuyển LNG từ dự án Arctic LNG 2, vốn đang chịu lệnh trừng phạt, kể từ khi bắt đầu đưa hàng lên vào tháng trước.
Một trong số đó, tàu Everest Energy, có thể đã dỡ hàng tại Saam FSU, một khu lưu trữ nổi tại một vịnh thuộc vùng Murmansk, miền bắc nước Nga. Kể từ đó, tàu này đã quay trở lại hướng Arctic LNG 2.
Hình ảnh radar xuyên mây do vệ tinh Sentinel-1 của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu chụp cho thấy một con tàu lớn có kích thước tương đương Everest Energy đang chuẩn bị dừng lại cạnh khu vực Saam FSU. Trong khi đó, 2 chuyến hàng còn lại vẫn còn ở vùng biển của Nga hoặc châu Âu, vẫn chưa được giao cho người mua.
Theo các nhà phân tích tại Kpler, việc tàu này dỡ hàng cho thấy “những thách thức mà Nga phải đối mặt trong việc tìm người mua LNG đủ điều kiện”.
Arctic LNG 2 được coi là dự án mang tính biểu tượng của Điện Kremlin. Tổng sản lượng theo kế hoạch của dự án này dự kiến chiếm 1/5 mục tiêu sản xuất LNG hàng năm của Nga là 100 triệu tấn vào năm 2030, tương đương hơn 3 lần khối lượng mà nước này xuất khẩu hiện nay.
Năm ngoái, Mỹ đã đưa Arctic LNG 2, được điều hành bởi công ty năng lượng Novatek, vào danh sách trừng phạt. Để ứng phó, Nga đã cử một “đội tàu ma” chở LNG để xuất khẩu khí đốt.
Tuy nhiên, cuối tháng 8, Mỹ lại áp lệnh trừng phạt với các tàu này và các công ty quản lý. Theo đó, các nhà phân tích và thương nhân cho biết động thái này có thể khiến các bên mua tiềm năng đang lo ngại.
Tàu đầu tiên lấy các lô hàng LNG từ dự án này là Pioneer. Pioneer đã chuyển LNG sang 1 tàu không được cấp phép ở phía đông Địa Trung Hải, phía bắc cảng Said ở Ai Cập vào cuối tháng 8. Tuy nhiên, cả 2 tàu vẫn ở nguyên vị trí này kể từ đó.
Tàu thứ 2 là Asya Energy, nhận hàng từ cơ sở tại Bắc Cực. Tàu này có kế hoạch đi quanh biển Na Uy sau khi nhận hàng, nhưng đã quay trở lại vùng biển Nga mà không dỡ hàng. Dữ liệu theo dõi tàu từ công ty tư vấn ICIS cho thấy tàu này hiện đang ở cạnh Saam FSU.
Những con tàu này đã tìm cách vận chuyển bí mật bằng cách sử dụng bộ phát tín hiệu nhằm đánh lạc hướng. Do đó, hồi tháng 6, EU đã thêm yếu tố “các hoạt động vận chuyển bất thường và rủi ro cao” vào căn cứ áp dụng lệnh trừng phạt.
Xuất khẩu LNG góp phần tăng doanh thu cho ngành năng lượng, hỗ trợ nền kinh tế Nga, dù tỷ trọng nhỏ hơn nhiều so với xuất khẩu bằng đường ống sang châu Âu.
Trong khi đó, doanh thu bán hydrocarbon của Novatek trong quý II tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy khối lượng vận chuyển tăng ở mức vừa phải. Tuy nhiên, kể từ sau khi mâu thuẫn với Ukraine xảy ra, Novatek đã ngừng công bố các số liệu chi tiết khiến giới chuyên gia khó đánh giá doanh thu từ LNG thuộc dự án Arctic LNG 2.
Các chuyên gia về LNG và lệnh trừng phạt đồng tình rằng do lệnh trừng phạt của Mỹ, có rất ít khả năng các nước châu Âu hoặc các đồng minh phương Tây nhập khẩu LNG từ dự án của Nga. Tuy nhiên, họ cho biết thêm, các lệnh trừng phạt vẫn khó có thể ngăn chặn hoàn toàn LNG đến các quốc gia không thuộc nhóm trên.
Francis Bond, chuyên gia về lệnh trừng phạt tại công ty luật Macfarlanes, chỉ ra rằng các bên mua tiềm năng nhất là Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo FT, 2 quốc gia này đã trở thành đối tác mua dầu mỏ chủ chốt của Nga sau khi phương Tây áp giá trần. Tuy nhiên, một báo cáo của ngân hàng lớn của Nga công bố vào tháng 5 cho thấy Moscow có thể sẽ gặp thách thức tương tự đối với các chuyến hàng LNG sang châu Á như dầu thô. Đó là các bên mua muốn mua với giá chiết khấu.