Theo Sputnik News của Nga, Tổng thống Putin đã tuyên bố "đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này - Không chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài".
Trước khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan công bố phán quyết vụ kiện biển Đông giữa Philippines-Trung Quốc hôm 12/7, Bắc Kinh đã tiến hành chiến dịch vận động hành lang mạnh mẽ nhằm lôi kéo sự ủng hộ của xã hội quốc tế đối với lập trường của họ trong vấn đề biển Đông.
Chính phủ Trung Quốc tuyên bố trên các phương tiện truyền thông nước này rằng có đến 60 quốc gia ủng hộ lập trường của họ về biển Đông.
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal cùng Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, "bóc mẽ" trên thực tế chỉ có 8 nước công khai ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh, bao gồm Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho.
Năm quốc gia khác bị Trung Quốc "liệt kê" trong danh sách đã thẳng thừng bác bỏ, trong đó có hai thành viên Liên minh Châu Âu (EU). Năm nước này gồm Ba Lan, Slovenia, Bosnia & Herzegovina, Campuchia, Fiji.
(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nêu lập trường của Moscow trong vấn đề biển Đông.
Theo ông Lavrov: "Lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông là, tất cả các bên liên quan đều phải tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm con đường giải quyết bằng chính trị ngoại giao mà các bên đều có thể chấp nhận được.
Cần phải dừng lại mọi hành vi can thiệp vào hoạt động đàm phán trực tiếp của các bên liên quan nhằm quốc tế hóa những vấn đề này."
Truyền thông Trung Quốc khi đó đã vin vào việc Moscow "phản đối quốc tế hóa vấn đề biển Đông" để đưa tin rầm rộ rằng "Nga ủng hộ lập trường về biển Đông của Bắc Kinh". Nga sau đó bác bỏ thông tin này và khẳng định vẫn giữ quan điểm riêng về vấn đề biển Đông.
Sau phát biểu của ông Putin tại họp báo kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 hôm qua (5/9), Nga mới chính thức tỏ thái độ công khai ủng hộ lập trường của trung Quốc về vụ kiện biển Đông.
Liên quan đến tình hình chung ở biển Đông, ông Putin nói: "Chúng tôi (Nga) không can thiệp", đồng thời cho rằng "sự can thiệp (vào biển Đông) của các nước lớn ngoài khu vực sẽ chỉ làm tổn hại việc giải quyết vấn đề này".