Ông lớn công nghệ Microsoft cùng với nhiều công ty về công nghệ thông tin khác đã đình chỉ hoạt động bán sản phẩm mới ở Nga và giảm quy mô hoạt động theo lệnh trừng phạt áp đặt đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine - một cuộc chiến mà Moscow miêu tả là một chiến dịch quân sự đặc biệt.
CrowdStrike, một công ty an ninh mạng của Mỹ, có phần mềm "Falcon Sensor" được sử dụng rộng rãi. Và sự cố liên quan đến phần mềm nói trên đã khiến Microsoft Windows gặp sự cố. Điều đáng nói là, CrowdStrike không có khách hàng nào được biết đến ở Nga. Thị trường Nga bị chi phối bởi các công ty an ninh mạng địa phương như Kaspersky Labs.
Ông Mikhail Klimarev từ Hiệp hội Bảo vệ Internet phi chính phủ nói với giới báo chí rằng: “CrowdStrike chắc chắn đã không cung cấp bất kỳ dịch vụ nào ở Nga kể từ tháng 2 năm 2022”.
Điện Kremlin, cùng với các công ty - từ gã khổng lồ hạt nhân nhà nước Rosatom, công ty vận hành tất cả các nhà máy hạt nhân của Nga, cho đến các ngân hàng và hãng hàng không lớn, đều báo cáo rằng họ không gặp bất kỳ trục trặc nào trong bối cảnh tình trạng ngừng hoạt động ảnh hưởng đến các công ty quốc tế trên toàn cầu.
Bộ Phát triển Kỹ thuật số Nga cho biết: “Tình hình một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay thế phần mềm nước ngoài”.
Các thị trường tài chính, tiền tệ của Nga cũng vận hành một cách suôn sẻ.
Bản cập nhật định kỳ của CrowdStrike đối với phần mềm an ninh mạng, vốn gây ra sự cố máy tính toàn cầu vào cuối tuần vừa rồi, dường như đã không trải qua quá trình kiểm tra chất lượng phù hợp trước khi triển khai.
"Mọi người từ lâu đã chuẩn bị cho khả năng bị Microsoft cắt đứt hoạt động do các biện pháp trừng phạt gây ra. Sự cố hiện tại là phép thử xem chúng tôi đã chuẩn bị tốt như thế nào cho tình hình. Cho đến nay, mọi thứ vẫn ổn, ít nhất là đối với những ông lớn, và nói chung là không hề có sự hoảng loạn trên thị trường”, một nhà giao dịch tiền tệ muốn giấu tên đã nói như vậy.
Công ty cho vay lớn thứ hai của Nga - VTB đã công bố kế hoạch tăng tỷ lệ phần mềm được phát triển trong nước lên 95% vào cuối năm nay, tăng từ mức 85% hiện nay. Ngân hàng cho biết họ đã đầu tư 50 tỷ rúp (571,46 triệu USD) chỉ trong năm nay để loại bỏ dần phần mềm nước ngoài.
Tuy nhiên, chuyên gia công nghệ thông tin Eldar Murtazin cho biết những rủi ro do thử nghiệm không đầy đủ các bản cập nhật phần mềm mới là phổ biến và phần mềm của Nga không nhất thiết miễn nhiễm được trước những trục trặc trong tương lai như sự cố xảy ra với CrowdStrike vừa rồi.