Ảnh minh họa: Getty
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã thông báo với các khách hàng châu Âu ngày 3/9 về việc tập đoàn này không thể nối lại hoạt động của đường ống cho tới khi sửa chữa xong các "trục trặc" của một turbine quan trọng trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ miền Tây nước Nga sang Đức. Trước đó, Dòng chảy phương Bắc 1 được cho là sẽ quay trở lại hoạt động vào 3/9 sau 3 ngày bảo trì.
Moskva đã cảnh báo việc vận hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt, gây ra sự thiếu hụt một số bộ phận dự phòng.
Tuy nhiên, nhà sản xuất Siemens của Đức cho biết công ty này đã có các turbine thay thế tại trạm nén khí - nơi phát hiện sự cố rò rỉ và có thể sử dụng một trong số các turbine trên trong trường hợp khẩn cấp.
"Những sự cố rò rỉ thế này không ảnh hưởng đến hoạt động của turbine và có thể được bịt kín".
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Charles Michel đã cáo buộc Nga “sử dụng khí đốt làm vũ khí” và khẳng định điều đó sẽ “không thay đổi quyết tâm của EU” khi khối này đang hướng đến "độc lập về năng lượng".
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Michael Roth cũng chỉ trích việc Nga đóng cửa đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và gọi đây là "một phần trong cuộc chiến tâm lý của Nga với chúng tôi". Ông cũng cáo buộc Tổng thống Putin đã "vi phạm hợp đồng một cách không do dự thậm chí cả khi điều đó phải trả giá bằng chính lợi ích kinh tế của mình".
G7 đã nhất trí áp giá trần với dầu mỏ Nga ngày 2/9, khẳng định sẽ không cung cấp các dịch vụ như bảo hiểm và các hình thức tài chính khác cho bất kỳ tàu nào chở dầu Nga trên mức giá này. Bất chấp những lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây, Nga thu về gần 700 triệu USD doanh thu từ dầu mỏ vào tháng 6, nhiều hơn so với tháng trước đó nhờ giá năng lượng tăng vọt.
Trong khi đó, đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 được hoàn thành vào đầu năm nay, vốn có thể làm giảm áp lực lên đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, vẫn chưa thể đi vào hoạt động do các lệnh trừng phạt./.