Nga hành xử "hai mặt", Armenia đáp lễ bằng hai động thái bất ngờ

Đức Huy |

Theo phân tích của tác giả Richard Giragosian trên trang Moscow Times, Armenia dường như đã hết kiên nhẫn với thái độ "hai mặt" của Nga trong giao tranh Nagorno-Karabakh.

Trước tình hình căng thẳng tại Nagorno-Karabakh hồi đầu tháng 4 vừa qua, Nga đã đứng ra làm công tác trung gian hòa giải. Trước sự chứng kiến của Moscow, đại diện hai phía Armenia và Azerbaijan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau 4 ngày giao tranh.

Tạm thời là vậy, nhưng thách thức thực sự trong tương lai sẽ phụ thuộc vào các bước tiến ngoại giao, nhằm thiết lập ổn định tại điểm nóng Nagorno-Karabakh. Và với vị thế "ông lớn" của mình trong khu vực, Nga sẽ phải đóng vai trò đầu tàu.

Thuyết phục được Armenia và Azerbaijan kí kết thỏa thuận ngừng bắn, dù chỉ là tạm thời, có thể coi là thành công bước đầu của Nga. Song, với việc là nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của... cả hai nước, vai trò trung gian hòa giải của Moscow đang vấp phải nhiều rào cản nghiêm trọng.

Khác với tuyệt đại đa số những vấn đề đối ngoại khác của Nga, lần này nguyên nhân không xuất phát từ phương Tây, mà chính từ đối tác chiến lược lâu năm của Moscow: Armenia.

Đương nhiên Armenia không thể đổ lỗi giao tranh tại Nagorno-Karabakh cho Nga, nhưng sự kiện này đã gián tiếp đẩy lên cao trào những hục hặc vốn vẫn tồn tại trong quan hệ hai nước. 

Nga hành xử hai mặt, Armenia đáp lễ bằng hai động thái bất ngờ - Ảnh 1.

 Người Armenia biểu tình phản đối Nga bán vũ khí cho Azerbaijan. Ảnh: RT

Với nhiều người Armenia, họ coi việc quân đội Azerbaijan sử dụng vũ khí Nga tại Nagorno-Karabakh như một sự "phản bội" của Moscow, đồng thời thể hiện sự bất bình trước điều mà họ gọi là "một liên minh của sự thiếu tôn trọng" giữa chính phủ Yerevan với Nga.

Đã vậy, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev còn "đổ thêm dầu vào lửa".

Trong chuyến thăm tới Yerevan vài ngày sau khi thỏa thuận ngừng bắn chính thức đi vào hoạt động, ông Medvedev vẫn khẳng định Nga sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Azerbaijan, quốc gia với 85% kho vũ khí là "hàng Nga".

Thủ tướng Nga nhấn mạnh, đây không đơn thuần chỉ là một thương vụ, mà nó thể hiện chính sách của Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh, với từ khóa đánh vào sự "cân bằng". Do đó, Moscow vẫn sẽ bán vũ khí cho cả Armenia và Azerbaijan. 

Nhưng trong mắt lãnh đạo Armenia, đó chỉ là lời biện hộ cho sự "hai mặt" của điện Kremlin, và họ đã có hai động thái đáp trả tương đối bất ngờ.

Nga hành xử hai mặt, Armenia đáp lễ bằng hai động thái bất ngờ - Ảnh 2.

 Armenia đang dùng NATO để gây áp lực với Nga. Ảnh: Twitter/azatutyun.am

Đầu tiên, Yerevan đã cử một phái đoàn các quan chức quân đội tới hội đàm với đại diện bên phía NATO, như một lời "nhắc nhở" Nga rằng Armenia hoàn toàn có thể tách khỏi vòng ảnh hưởng của Moscow để về với phương Tây.

Tiếp sau đó, Armenia còn tỏ thái độ với Nga bằng cách đe dọa sẽ tuyên bố công nhận quyền độc lập tự chủ của Nagorno-Karabakh. 

Đây cũng có thể coi là một động thái tăng sức nặng cho "quyền mặc cả" của Armenia đối với các bên trung gian, và với chính Azerbaijan, bởi ai cũng hiểu rằng việc công nhận Nagorno-Karabakh độc lập cũng đồng nghĩa với việc xóa sổ thỏa thuận ngừng bắn cũng như toàn bộ tiến trình hòa bình.

Tuy nhiên, theo tác giả Giragosian, Armenia nhiều khả năng sẽ không làm vậy, bởi các nhà hoạch định chính sách đối ngoại nước này hiểu rằng họ không có nhiều "át chủ bài" để giành ưu thế trên bàn đàm phán, nên cẩn trọng vẫn là phương án tối ưu.

Sau này, nếu Azerbaijan tiếp tục gây hấn, Armenia có thể dọa công nhận độc lập cho Nagorno-Karabakh như một biện pháp đáp trả. Nhưng lúc này có lẽ chưa phải thời điểm thích hợp.

Còn trong quan hệ với Moscow, cứ mỗi khi vũ khí Nga được chuyển đến Azerbaijan trong tương lai, là "liên minh chiến lược" Nga-Armenia lại tụt thêm một nấc. Và với tình hình quan hệ đã bị kéo xuống mức như hiện nay, liệu sẽ có ngày liên minh "chạm đáy"?

Nhìn lại giao tranh

Rạng sáng ngày 2/4, giao tranh Nagorno-Karabakh đã bùng phát sau một quãng thời gian dài "đóng băng", khi các lực lượng quân đội Azerbaijan mở một đợt công kích nhắm vào khu vực tranh chấp này.

Tuy chỉ kéo dài 4 ngày, nhưng cuộc chiến lần này đã một lần nữa cho thấy Nagorno-Karabakh chẳng khác nào một ngọn núi lửa âm ỉ, nhưng lúc nào cũng chỉ trực phun trào.

Từ góc nhìn quân sự mà nói, chiến dịch của Azerbaijan có quy mô lớn chưa từng thấy, và khiến rất nhiều người bất ngờ. Quân đội nước này triển khai rất nhịp nhàng 3 mũi tấn công nhắm vào 3 khu vực khác nhau dọc phòng tuyến hết sức kiên cố tại Nagorno-Karabakh.

Dù Armenia đã phản công và chiếm được gần như toàn bộ các cứ điểm bị đánh mất trong ngày đầu giao tranh, song có thể nói quân Azerbaijan đã cho thấy sự vượt trội về năng lực chiến đấu cũng như khí tài quân sự trong trận đánh phủ đầu.

Với tiềm lực quân sự mạnh hơn nhờ kho vũ khí "tậu" từ Nga, người Azerbaijan đã có cớ để gạt sang một bên những cuộc đối thoại trên bàn đàm phán, để thay vào đó tự mình giải quyết bằng vũ lực.

Đây là giao tranh khốc liệt nhất kể từ khi lệnh ngừng bắn được áp đặt vào năm 1994.

>> Ngoài 1 "lời sấm truyền", còn những bí ẩn nào đằng sau cái tên của Obama?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại