Nga “đục nước béo cò” từ mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây?

Đào Cảnh |

Theo các chuyên gia phân tích, việc tái lập quan hệ Moscow - Ankara cho thấy Nga đã có một lợi ích chiến lược quan trọng trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang trở nên xấu đi...

Tờ Business Insider phân tích: Việc cải thiện mối quan hệ song phương giữa Moscow và Ankara có thể được Nga sử dụng như là một “vũ khí lợi hại” trong cuộc đối đầu với Washington.

Như đã đưa tin, ngày 10/10 vừa qua tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, người đứng đầu hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận liên chính phủ về việc xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt mang tên “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về triển vọng hợp tác trong vấn đề xung đột ở Syria. Theo các chuyên gia phân tích, cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có thể được coi là tín hiệu xấu gửi tới Washington, cho thấy việc tái lập quan hệ chiến lược giữa Moscow và Ankara.

Cựu đại biểu quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời là nhà phân tích của trung tâm FDD (Quỹ Quốc phòng Dân Chủ) nhận định: Tổng thống Erdogan đang ngả về phía Nga, cố gắng mượn tay nước này làm con át chủ bài trong cuộc mặc cả chính trị với Hoa Kỳ. Về phần mình, Moscow cũng tận dụng mâu thuẫn giữa Ankara và Washington để làm lợi thế cho họ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không xem trọng Hoa Kỳ trong cuộc chiến với người Kurd (lực lượng mà Ankara coi là khủng bố), và nước này tỏ ra không hài lòng việc Washington hỗ trợ máy bay chiến đấu cho người Kurd ở Syria.

Các chuyên gia phân tích lưu ý, việc hỗ trợ của Mỹ cho phép Tổng thống Erdogan có lý do tin rằng chính sách của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Syria đang đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của nước này.

Một vấn đề nhạy cảm đối với Ankara là âm mưu đảo chính quân sự bị thất bại gần đây. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ lỗi gây ra cuộc đảo chính cho giáo sỹ đối lập Fethullah Gulen, một giáo sĩ 75 tuổi sống lưu vong ở Pennsylvania, Mỹ và ám chỉ rằng Washington bằng cách nào đó đã thông đồng với âm mưu bạo loạn này.

Trong khi Washington và các đồng minh châu Âu đã lên án Ankara sử dụng chế độ bạo lực trấn áp cuộc đảo chính và từ chối dẫn độ giáo sĩ Gulen theo yêu cầu của nước này, thì Nga ngay lập tức bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Chủ tịch Diễn đàn chính sách Israel - Michael Koplou cho biết: “Trên thực tế, việc Nga đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ sau sự kiện đảo chính ngày 15/7 vừa qua đã làm cho việc quan hệ với Nga trở nên hấp dẫn hơn với Ankara”.

Chuyên gia Michael Koplou nhận xét, Nga nắm bắt được vấn đề nhạy cảm là Ankara hiện nay có một chính quyền gồm đa số đang ở thế chống lại Mỹ, bởi những người này tin rằng Washington đang đe dọa các lợi ích an ninh quốc gia của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Các báo cáo cũng cho thấy: “Nga đang nhanh chóng được hưởng lợi từ căng thẳng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây.

Mặt khác, ngay sau khi căng thẳng giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Đảng công nhân người Kurd (PKK) phát triển thành một cuộc xung đột ở miền Nam nước này thì Nga đã cho bắt giữ kẻ buôn bán vũ khí được cho là hợp tác với PKK. Do đó, Moscow bất ngờ trở thành đối tác đảm bảo an ninh trong nước của Ankara”.

Kết quả của điều này là việc hai bên nối lại dự án khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” mà trước đó đã bị hoãn lại do sự cố đối với máy bay ném bom Su-24 của Nga (Không quân Thổ bắn hạ máy bay Su-24 trên vùng trời Syria hồi tháng 11/2015).

Theo giáo sư Akin Unver thuộc đại học Kadir Has ở Istabul, các đường ống dẫn khí đốt sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời là hành động “đền ơn” cho việc Nga ủng hộ Tổng thống Erdogan của các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ sau khi cuộc đảo chính quân sự bất thành.

Ông Unver nhận định: “Chính sách năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ trong các thập niên gần đây đã được đa dạng hóa - đó là giảm sự phụ thuộc vào Nga và nguồn khí đốt tự nhiên. Việc đất nước thay đổi chính sách năng lượng mặc dù có phần viển vông nhưng lại có nhiều lợi ích nếu được chính quyền tiến hành.

Hiện nay, việc Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận đường ống dẫn ga và nguồn điện hạt nhân mới của Nga làm tăng thêm 5% sự phụ thuộc của nước này vào nguồn khí đốt Nga”.

Trả lời phỏng vấn trên tờ Business Insider, các chuyên gia phân tích nhận định: Nga hiện vẫn gặp phải trở ngại trong chính sách tại Syria bởi một trong những ưu tiên của Ankara là lật đổ Tổng thống nước này Bashar al-Assad.

Nhưng bên cạnh đó, việc tái lập quan hệ Moscow - Ankara cho thấy Nga đã có một lợi ích chiến lược quan trọng trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang trở nên xấu đi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại