Nga đề xuất xây nhà máy điện hạt nhân cho Triều Tiên

Kiều Anh |

Nga đề xuất sẽ xây nhà máy điện hạt nhân cho Triều Tiên để nước này thực hiện phi hạt nhân hóa trong bối cảnh Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 sắp diễn ra.

Chỉ một ngày sau khi các quan chức Nga xác nhận với báo giới rằng một cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể sẽ diễn ra, các quan chức tình báo Mỹ nói với tờ Washington Post rằng Nga đã đề xuất sẽ cung cấp cho Triều Tiên một nhà máy điện hạt nhân như một cách để can dự vào những cuộc đàm phán sắp tới giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Theo thỏa thuận này, Nga sẽ cho vận hành một nhà máy điện và vận chuyển các chất thải hạt nhân trở lại Nga nhằm đảm bảo những chất liệu này không thể dùng phục vụ chương trình vũ khí.

Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa dường như vẫn không có nhiều tiến triển. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Trump đã lên kế hoạch cho một cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2 dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 2/2019. Hiện chưa rõ khi nào cuộc gặp giữa ông Kim với Tổng thống Putin sẽ diễn ra và đề xuất về nhà máy điện hạt nhân của Nga vẫn đang được thảo luận.

Nhà Trắng không đưa ra bình luận gì về việc liệu chính quyền Tổng thống Trump có chào đón nỗ lực thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa của Nga hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sẽ không có bất kỳ "người chơi" chính nào trên bàn đàm phán Triều Tiên đồng ý với đề xuất của Nga.

"Không ngạc nhiên khi Nga đang có những bước đi và đề xuất cái gọi là "giải pháp" cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, trong khi Moscow đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch của mình, người ta vẫn nghi ngờ về việc liệu Bình Nhưỡng có ủng hộ một giải pháp như vậy hay không, trong khi không có sự nhất trí của cả Washington và Seoul", Harry Kazianis - giám đốc nghiên cứu về quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia tại Washington nhận định với trang Newsweek.

"Ý định thực sự của Nga có thể là muốn quay trở lại làm "người chơi" ở Đông Á - một khu vực Nga từng vuột mất tầm ảnh hưởng sau khi Liên Xô sụp đổ. Thực tế là can thiệp vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên sẽ khiến Moscow có thêm một "quân bài" để chống lại Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai quốc gia đang rạn nứt trong những năm gần đây", chuyên gia Kazianis phân tích thêm.

Không lâu sau cuộc gặp Thượng đỉnh lần đầu tiên của Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, các quan chức Nga đã đề xuất rằng Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga sẽ xây một đường ống xuyên qua Triều Tiên.

Cũng sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6/2018 ở Singapore, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc gặp với các quan chức Triều Tiên để thảo luận chi tiết về một thỏa thuận, buộc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân và các chương trình tên lửa đạn đạo. Dù vậy, những cuộc đàm phán này hầu như đạt được rất ít kết quả, trong khi truyền thông nhà nước Triều Tiên gần đây khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu không có những nhượng bộ đáng kể từ Mỹ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại