Nga có sợ mất "uy" với Damascus khi không đủ tiền hỗ trợ Syria tái thiết thời hậu chiến?

Ngọc Anh |

Điều nguy hiểm đối với Moscow là, ở một thời điểm nào đó, các áp lực của Nga sẽ không còn tác dụng đối với Damascus. Đó sẽ là một mất mát lớn đối với Nga.

Tiến sĩ ngành khoa học chính trị tại trường Cao học Kinh tế (Nga), ông Leonid Issaev, mới đây có bài phân tích trên trang Al Jazeera về vị thế và các bước đi của Nga trong thời kỳ hậu chiến ở Syria.

Theo ông Issaev, cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria dường như đã đến hồi kết. Mặc dù IS không chắc sẽ biến mất, nhưng lực lượng này đã mất quyền kiểm soát và thực sự bị quét sạch khỏi Syria sau khi hai thủ phủ của chúng là Mosul và Raqqa đã được giải phóng, IS cũng đã thất thủ tại tất cả các vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát ở Iraq và Syria.

Ở Syria, ngoài một vài vùng vẫn còn dưới sự kiểm soát của IS, vẫn còn tỉnh Idlib hiện đang được kiểm soát bởi nhóm Ha’yet Tahrir al-Sham (hay còn gọi là nhóm HTS – một đồng minh của lực lượng khủng bố al-Qaeda). Nhưng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ tiến hành một cuộc tấn công chung nhằm vào HTS ở Idlib.

Phần còn lại của Syria thì hoặc là được kiểm soát bởi lực lượng chính phủ, hoặc là dưới sự kiểm soát của Các Đơn vị Bảo vệ Người Kurd (YPG) – một đồng minh của Mỹ.

Nhờ sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria trong hai năm qua, với những cuộc tấn công đẩy lùi IS và HTS, có thể nói rằng một phần lớn lực lượng đối lập có vũ trang thực sự tại Syria cũng đã bị xóa sổ, và thời kỳ xung đột vũ trang đã sắp kết thúc. Đối với người Syria, hòa bình và ổn định lúc này đã trở nên quan trọng hơn so với các vấn đề về quyền lực hay trật tự chính trị tương lai.

Khi Syria tiến vào thời kỳ giảm leo thang căng thẳng mới, người ta sẽ đặt câu hỏi về vai trò của Nga. Rất sớm thôi, chính phủ Syria sẽ cần hỗ trợ về tài chính nhiều hơn là hỗ trợ về quân sự. Và tài chính có thể không phải là thứ mà Nga có thể cung cấp.

Chiến lược của Nga thời hậu chiến tại Syria

Đến nay, Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể tự coi mình là một "người thắng cuộc" trong cuộc nội chiến, phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ và can thiệp quân sự của Nga. Thế nhưng, sự can thiệp này lại không nhất thiết sẽ đảm bảo cho Nga một sự hiện diện thoải mái ở Syria thời hậu chiến.

Trong quá trình xung đột quân sự đang diễn ra, giá trị của Moscow đối với Damascus nằm ở việc hỗ trợ và triển khai quân sự - một nhân tố chủ yếu giúp quân đội chính phủ Syria giành lợi thế trên chiến trường. Nhưng giai đoạn chuyển tiếp sang hậu chiến sắp diễn ra, vai trò và ý nghĩa của nhân tố quân sự sẽ sụt giảm, thay vào đó là vai trò quan trọng hơn của việc hợp tác kinh tế, tài chính.

Iran đã tuyên bố sẽ hỗ trợ Syria về mặt tài chính. Trong một cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Syria Assad, Tổng thống Iran Rouhani đã đảm bảo rằng Iran "đã chuẩn bị sẵn sàng tham gia một cách tích cực và quá trình tái thiết Syria".

Nước Nga, ngược lại, theo chuyên gia Leonid Issaev, không có đủ khả năng tài chính để có thể đầu tư một cách mạnh mẽ vào Syria sau khi cuộc chiến kết thúc. Trong bối cảnh này, vị trí của Nga tại Syria dường như không còn đủ sức thuyết phục. Điều này đã buộc Moscow nhận ra rằng liên minh vói Tehran và Ankara ở Syria có thể sẽ không mang lại nhiều lợi ích trong tương lai, và Nga sẽ cần phải tìm các đồng minh mới trong thời kỳ hậu chiến.

Nga có sợ mất uy với Damascus khi không đủ tiền hỗ trợ Syria tái thiết thời hậu chiến? - Ảnh 1.

Có thể Nga cần những đồng minh mới ở Syria ngoài Iran và Thổ Nhĩ Kỳ? Ảnh: AP

Kết quả là, chính phủ Nga đã gia tăng các nỗ lực trong việc giữ cho quá trình đàm phán [đang diễn ra] vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga, để đảm bảo rằng Nga sẽ không bị gạt ra khỏi vị trí của một bên quyết định trật tự quyền lực ở Syria.

Người ta có thể nhìn thấy Nga mong muốn thể hiện sự độc nhất và vai trò không thể thay thế của mình trong những sáng kiến mới nhất của nước này về Syria: Từ tuyên bố của ông Putin tại Sochi [về sự cần thiết phải tổ chức Đại hội của những người Syria], đến một loạt các cuộc gặp giữa vị Tổng thống Nga và các lãnh đạo quốc gia Trung Đông khác mới diễn ra.

Đặc biệt rõ, người ta có thể nhìn thấy "thủ thuật bất ngờ" là ông Assad xuất hiện ở Sochi. Đây là chuyến đi nước ngoài thứ hai của ông Assad kể từ năm 2011. Vào năm 2015, ông Assad đã đến Nga một lần nữa để gặp ông Putin.

Đối với Moscow, Tổng thống Syria Assad rất "quý giá", và các nhà lãnh đạo Nga đang cố gắng biến "tài sản quý giá" này thành một thành công ngoại giao. Chuyến đi đến Sochi của ông Assad đã như một lời khẳng định sự độc nhất của Nga trong vấn đề Syria. Chuyến đi đó gửi thông điệp rõ ràng tới cộng đồng quốc tế rằng Moscow là người nắm giữ chìa khóa đến Damascus và là "người giám hộ duy nhất" có thể tác động vào chính phủ này trên bàn đàm phán.

Ngay lập tức sau cuộc gặp ở Sochi với ông Assad, ông Putin đã chia sẻ kết quả cuộc gặp với các lãnh đạo của Ả Rập Saudi, Ai Cập, Israel và Mỹ. Hai ngày sau đó, trong cuộc gặp ba bên giữa ông Putin với tổng thống Iran và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin đã thể hiện vai trò "dẫn dắt và hướng dẫn" trong bộ ba Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ.

"Trò chơi câu giờ" của chính phủ Syria

Chuyên gia Issaev cho rằng, mặc dù Nga có vai trò quan trọng trong quá trình đàm phán ở Syria, nhưng rõ ràng Nga không đủ nguồn lực và khả năng để tiếp tục giữ được vai trò đó. Nga cần một đối tác khác tại Syria, một đối tác có khả năng đảm bảo nguồn vốn tái thiết Syria giai đoạn hậu chiến. Và đối tác đó cần phải sẵn sàng cung cấp tài chính thông qua Moscow.

Một vấn đề lớn hơn là Nga không có nhiều thời gian để thực hiện việc này. Chính quyền của ông Assad thậm chí sẽ cồng kềnh hơn khi "chiến thắng" được củng cố và Nga sẽ khó thúc giục họ ngồi vào bàn đàm phán hơn.

Cố vấn của Tổng thống Syria là ông Bouthaina Shaaban và Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal al-Mikdad đã bày tỏ sự hoài nghi của họ về quá trình đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Sự từ chối ban đầu này của Damascus trong việc tham gia vào các cuộc đàm phán ở Geneva, với một cái cớ không hợp lý, phát đi tín hiệu rằng chính phủ Syria đang "câu giờ".

Chính phủ này muốn tổ chức đàm phán chỉ sau khi các lực lượng đối lập đã hoàn toàn giải giáp vũ trang và sau khi họ thấy đảm bảo rằng không có một sự can thiệp nào "vào các công việc nội bộ của Syria". Về cơ bản, chính phủ Syria muốn phe đối lập phải đầu hàng và đang kiên nhẫn chờ đợi tới thời điểm đó.

Điều nguy hiểm đối với Moscow là, ở một thời điểm nào đó, các áp lực của Nga sẽ không còn tác dụng đối với Damascus. Đó sẽ là một mất mát lớn đối với Nga.

Lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran gặp nhau tại Sochi ngày 22/11/2017 bàn giải pháp chính trị cho Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại