Ngày 6/4, phát biểu với phóng viên sau một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về Syria, khi được hỏi về khả năng Mỹ tấn công Syria, Đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov cảnh báo "những người khởi xướng hành động thảm kịch (tấn công Syria) như vậy sẽ phải gánh mọi trách nhiệm".
Sau các vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học vừa xảy ra tại Syria, ngày 6/4, Chính phủ Mỹ cũng kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức và để ngỏ khả năng đáp trả quân sự.
Trong thực tế, sáng 7/4 (giờ Việt Nam), Mỹ đã phóng ít nhất 50 tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân ở Syria.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã vượt quá nhiều "giới hạn đỏ" khiến quan điểm của ông về Tổng thống al-Assasd bị thay đổi nhiều. Giới chức Mỹ cho biết ưu tiên của chính quyền Tổng thống Trump đối với Syria là không buộc Tổng thống al-Assad phải ra đi như chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng kêu gọi thực hiện "một tiến trình chính trị dẫn tới Tổng thống al-Assad phải rời bỏ quyền lực". Ông cho biết Mỹ đang cân nhắc "biện pháp đáp trả thích hợp" đối với cuộc tấn công nghi bằng vũ khí hóa học xảy ra ngày 4/4 vừa qua tại tỉnh Idlip, Tây Bắc Syria, khiến hơn 70 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Cũng trong ngày 6/4, truyền thông Mỹ dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Lầu Năm Góc đang trình lên Nhà Trắng một số phương án quân sự mà Washington có thể áp dụng để đáp trả vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học vừa xảy ra tại Syria, trong đó có cả việc tiến hành các cuộc không kích nhằm vô hiệu hóa lực lượng không quân Syria.
Tham dự các cuộc tham vấn cấp cao về giải pháp quân sự có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford và các quan chức quân sự thuộc Bộ Chỉ huy trung tâm.