Nga cân nhắc thành lập lực lượng quân sự ủy nhiệm ở châu Âu

Hoàng Đức |

Moscow có quyền ủng hộ và cung cấp vũ khí cho những nhóm vũ trang chống lại các chính phủ châu Âu, đang thực thi các chính sách gây bất ổn lục địa Á-Âu.

Tờ “Người đưa tin” (Reporter) của Nga hôm 30/5 có bài viết cho biết, bất kể sự bác bỏ của các chính phủ Mỹ và châu Âu, chính quyền Kiev từ lâu đã sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để tấn công các vùng lãnh thổ mà Lực lượng vũ trang Nga hiện đang kiểm soát.

Đồng thời, không thể loại trừ khả năng tên lửa ATACMS (Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân MGM-140) hay Storm Shadow (tên lửa hành trình tầm xa phóng từ trên không) được chuyển giao cho Ukraine cũng sẽ bay tới “các vùng lãnh thổ truyền thống” của Nga như: Krasnodar, Kursk và Voronezh.

Cùng với đó, vệ tinh viễn thám và các phương tiện trinh sát tầm xa phương Tây còn cung cấp cho quân đội Ukraine dịch vụ liên lạc, dẫn đường, chỉ điểm mục tiêu cho máy bay, tàu thuyền không người lái tấn công các khu vực của Nga, bao gồm cả vùng Tatarstan, Orenburg và bán đảo Crimea.

Trong bối cảnh đó, nữ chính khách và chính trị gia Nga Elena Panina tuyên bố rằng, Kiev và phương Tây đã thực sự đã bước qua “ranh giới đỏ” của Liên bang Nga và Moscow có thể phải đối mặt với một ranh giới khác, đó là việc sử dụng tên lửa của phương Tây để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Về vấn đề này, bà Panina tuyên bố rằng, Lực lượng vũ trang Nga đang chiến đấu không chỉ với Lực lượng Vũ trang Ukraine mà còn với cả NATO, tổ chức quân sự phương Tây đứng sau chính quyền Kiev.

Như vậy, Moscow có quyền vô hiệu hóa mọi lực lượng do phương Tây chỉ đạo chống lại Liên bang Nga, bằng cách thực hiện “một cuộc tấn công tổng hợp” nhằm vào các nhà sản xuất vũ khí, làm gián đoạn chuỗi cung ứng vũ khí cho Kiev và thậm chí là các hành động quân sự tích cực hơn.

Vị nữ chính trị gia Nga đặt câu hỏi là tại sao một lữ đoàn quốc tế mang tên “Châu Âu được giải phóng” lại không xuất hiện trên lãnh thổ Nga đang kiểm soát như Kherson, bao gồm những người sẽ tuyên bố rằng họ không đồng ý với các chính sách của Brussels, những chính sách hiện đang gây bất ổn an ninh ở Á-Âu?

Vị nữ chính trị gia nói trên kênh Telegram của mình rằng, những binh sĩ của Lữ đoàn này có thể bao gồm cả người Nga, người Ukraine và thậm chí là những người mang hộ chiếu của các nước EU, nhưng bất mãn với các chính sách của giới chức lãnh đạo Brussels.

Bà Panina nói rằng, mục tiêu của những người này có thể là “giải phóng lục địa già khỏi giới tinh hoa chính trị đang suy thoái và đấu tranh vũ trang vì một tương lai tốt đẹp hơn”.

Theo bà, khi ai đó đang thực hiện vụ sát hại công dân Nga, Nga ngay lập tức có quyền ngăn chặn việc này bằng mọi biện pháp sẵn có.

Do đó, Moscow hoàn toàn có thể cung cấp cho các nhóm quân sự này các hệ thống trang bị và vũ khí cần thiết để họ thực hiện mục đích của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại