Bộ trưởng Sergey nhấn mạnh công ty này có quyền "hợp pháp" để hiện diện ở quốc gia Tây Phi vì được chính phủ chuyển tiếp mời đến và Moscow không can dự vào quá trình này.
Pháp và Đức đều phản đối sự xuất hiện của nhóm lính đánh thuê thuộc công ty Wagner (Nga) ở Mali. Công ty này từng bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Cộng hòa Trung Phi và liên quan đến xung đột Libya.
Theo ông Lavrov, Pháp đã thông báo cắt giảm lực lượng chống cực đoan ở Mali nói riêng và khu vực Tây Phi nói chung. Các lực lượng của Pháp, theo ông Lavrov, "lẽ ra phải chống khủng bố ở Kidal (phía Bắc của Mali) nhưng họ không làm được".
Ảnh chụp binh sĩ Pháp trong chiến dịch chống khủng bố ở TP Gao - Mali hồi tháng 8-2019. Ảnh: Reuters
Chủ nghĩa khủng bố tiếp tục thống trị khu vực này, Bộ trưởng Lavrov khẳng định trong cuộc họp báo bên lề phiên thảo luận chung của các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Bộ trưởng Lavrov còn chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) vì yêu cầu lính đánh thuê Nga rời khỏi Mali.
Theo AP, Mali nỗ lực kiểm soát các tay súng Hồi giáo cực đoan kể từ năm 2012. Với sự hậu thuẫn của chiến dịch quân sự do Pháp dẫn đầu vào năm 2013, Mali đã đánh bại nhóm này ở các thành phố phía Bắc.
Tuy nhiên, các tay súng cực đoan nhanh chóng tập hợp lại ở sa mạc và thường xuyên triển khai các cuộc tấn công nhằm vào quân đội Mali và lực lượng đồng minh.
Các tay súng cực đoan đã mở rộng phạm vi hoạt động đến Trung Mali, khiến căng thẳng bùng phát giữa các nhóm thiểu số trong khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 25-9. Ảnh: AP
Chưa tính đến chuyện công nhận Taliban
Cũng trong cuộc họp nêu trên, Bộ trưởng Lavrov nhấn mạnh sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với chính quyền Taliban hiện "chưa được bàn đến".
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Taliban Amir Khan Muttaqi đề cử người phát ngôn của phong trào này là Suhail Shaheen vào vị trí đại sứ Liên Hiệp Quốc (LHQ) của Afghanistan.
Ông Ghulam Isaczai – người đại diện cho chính phủ Afghanistan bị Taliban lật đổ tại LHQ, cũng đã yêu cầu gia hạn chứng nhận LHQ.
Theo Reuters, những diễn biến trên có thể châm ngòi xung đột liên quan đến ghế của Afghanistan tại LHQ.