Hãng tin CNN ngày 1-2 dẫn nguồn tin từ một luật sư bào chữa cho hay, hai quan chức an ninh cấp cao của Nga, một chuyên gia an ninh và một người đàn ông thứ tư đang bị Nga truy tố tội phản quốc vì gửi các bí mật cho tình báo Mỹ.
Bốn người này bị truy tố vì “phản quốc theo hướng ủng hộ Mỹ”, theo Ivan Pavlov, luật sư bào chữa cho một trong các bị cáo trên.
Hãng tin Interfax (Nga) dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay hai quan chức thuộc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) đều bị cáo buộc gửi thông tin mật cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Hai quan chức FSB bị bắt hồi tháng 12-2016. Một người là Sergei Mikhailov, người đứng đầu Trung tâm Bảo mật Thông tin của FSB. Người còn lại là ông Dmitry Dokuchayev, giữ vị trí phó lãnh đạo trung tâm này.
Người thứ ba bị đội an ninh Nga bắt giữ là Ruslan Stoyanov, một nhân viên của công ty an ninh mạng Kaspersky Lab của Nga. Tuy nhiên, Kaspersky trong một tuyên bố nói rằng ông Stoyanov bị điều tra “trong thời gian ông không phải là nhân viên của công ty” và cho biết ông Stoyanov “không có quan hệ chính trị với bất cứ chính phủ nào”.
Tuy nhiên, ông Pavlov không đề cập tới danh tính của bị cáo thứ tư, thân chủ của ông. Pavlov nói với CNN rằng cáo buộc nhằm vào thân chủ của ông gồm cung cấp sự hỗ trợ cho “một vài cơ quan đặc biệt của Mỹ”.
Cho đến nay, Nga đã tiến hành tăng cường chiến dịch truy quét chống tình báo nhắm tới các chuyên gia an ninh mạng Nga, những người vốn được chính phủ Nga tin tưởng giao cho các bí mật về hoạt động tin tặc.
Mỹ trước đây cáo buộc Nga tấn công mạng nhằm vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho ông Donald Trump. Ảnh: AP
Chiến dịch truy quét diễn ra không lâu sau khi các quan chức tình báo Mỹ cáo buộc Nga tấn công mạng để cố gắng “chèo lái” cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho ông Donald Trump.
Giới chức Mỹ chưa bao giờ tuyên bố rằng những người bên trong nội bộ Nga cung cấp cho họ các thông tin manh mối để dẫn tới việc đưa ra cáo buộc.
Theo CNN, một vài chuyên gia không có kiến thức về hoạt động tình báo Mỹ cho rằng những người bên trong nội bộ Nga có thể đã tiết lộ thông tin và cuộc truy quét vì thế đã được tiến hành.
Điều 275 của Bộ luật Hình sự Nga hiện hành quy định tội phản quốc sẽ bị phạt từ 12-20 năm tù giam, theo CNN. Điện Kremlin đã từ chối xác nhận bất cứ thông tin chi tiết nào về vụ việc.
Một số chuyên gia an ninh Mỹ, gồm những người từng làm việc cho Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), đã bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của bốn người này.
Ông Paul Rosenzweig, một cựu trợ lý chính sách của Cơ quan An ninh Nội địa Mỹ (DHS), cho rằng các bị cáo có thể sẽ bị tử hình đối với tội danh cung cấp thông tin cho Mỹ.