Được cho là trang bị hệ thống hỗ trợ và theo dõi các vệ tinh cũng như tên lửa đạn đạo liên lục địa, con tàu Viễn Vọng 5 này ghé vào cảng ở Auckland, thuộc đảo Bắc của New Zealand, hôm 2-10 và dự kiến lưu lại đến ngày 6-10.
Nhà phân tích an ninh, TS Paul Buchanan, cho biết những con tàu cùng loại của Trung Quốc từng đến Auckland hồi năm 2005.
“Chúng là tàu do thám. Tàu có hệ thống kép, vừa dùng để theo dõi vệ tinh vừa thu thập thông tin tình báo. Theo như tôi biết, 60%-70% công việc của tàu này là tìm kiếm các tín hiệu của người dân và 30%-40% còn lại liên quan đến vệ tinh’’ - ông Buchanan nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, chính quyền New Zealand biết rõ những gì con tàu Trung Quốc đang làm nhưng không có lý do để ngăn nó tới thăm.
“Một phần do Mỹ và nhiều nước phương Tây khác cũng có tàu thu thập tín hiệu ở Nam Thái Bình Dương” - ông Buchanan giải thích, đồng thời cho biết Mỹ và Trung Quốc dùng những tàu này để theo dõi tàu ngầm của đối phương.
Trong khi đó, Lực lượng phòng vệ New Zealand (NZDF) ngày 3-10 thông báo sẽ cử 60 binh sĩ tinh nhuệ và 1 máy bay giám sát Orion P-3K2 tới Malaysia để tham gia cuộc tập trận đa quốc gia thường niên Bersama Lima tại biển Đông.
Bắt đầu từ ngày 4-10, cuộc tập trận kéo dài 3 tuần và còn có sự tham gia của Úc, Malaysia, Singapore, Anh. Bersama Lima được tiến hành bởi 5 thành viên Nhóm Thỏa thuận quốc phòng (FPDA, thành lập năm 1971).
Biển Đông dự kiến càng “nhộn nhịp” hơn sau khi Mỹ giới thiệu Sáng kiến an ninh hàng hải mới với ASEAN tại Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ASEAN cuối tuần qua ở Hawaii - Mỹ.
Trang Diplomat dẫn lời ông chủ Lầu Năm Góc Ashton Carter cho biết Mỹ sẽ tổ chức các sự kiện Mỹ - ASEAN trong khu vực, bao gồm đối thoại hàng hải ASEAN và tập trận nâng cao nhận thức trong lĩnh vực hàng hải.
Ông Carter cũng mời những người đồng cấp ASEAN tới thăm Lực lượng Đặc nhiệm phối hợp liên ngành phía Nam (JIATF) ở bang Florida - Mỹ để xem cách các cơ quan thực thi pháp luật của quân đội Mỹ hợp tác với những nước đối tác.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết ông đã đề nghị Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương (APCSS), một viện nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ, tổ chức hội thảo vào năm tới để xác định những khoảng cách trong quá trình hợp tác Mỹ - ASEAN.