"Bọ vàng" là một thuật ngữ để chỉ những người cực kỳ lạc quan vào vàng, coi nó như một khoản đầu tư và một tiêu chuẩn để đo lường sự giàu có. Những con "bọ vàng", từ lâu đã chỉ còn là số ít trong thế giới tài chính. Đó là những người nắm giữ những thỏi vàng bóng loáng, coi đó như một hàng rào chống lại một thảm họa mà họ nghĩ là sắp xảy ra.
Nhưng gần đây, "bọ vàng" đã quay trở lại. Năm nay, vàng là tài sản truyền thống được chú ý nhất trên thế giới. Lần đầu tiên giá của nó đạt mức 2.000 USD/ounce. Từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp cho đến nghiệp dư, tất cả mọi người đều đang nói về lợi ích của nó.
Một cuộc khảo sát gần đây với 1.000 người Mỹ cho thấy: cứ 6 người Mỹ thì có một người mua vàng hoặc các kim loại quý khác trong 3 tháng vừa qua. Và trong những người chưa mua, cứ 4 người sẽ có 1 người đang suy nghĩ nghiêm túc về chuyện sẽ mua. Trên Robinhood - một nền tảng giao dịch tài chính trực tuyến phổ biến, số lượng người dùng nắm giữ hai quỹ vàng lớn nhất đã tăng gấp ba lần kể từ tháng 1.
Có vẻ như tất cả chúng ta đều đang là những con "bọ vàng".
Thật hợp lý khi nghĩ rằng, sự ưa chuộng vàng ở thời điểm hiện tại là biểu hiện của việc mong muốn có được một nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ đại dịch. Đây được coi là một loại phản xạ tài chính - và cơn sốt vàng sẽ chìm xuống khi cuộc khủng hoảng Covid-19 giảm bớt.
Nhưng trên thực tế, cơn sốt vàng cũng đang được đẩy cao bởi nhiều người có linh cảm rằng, tiền đang được bơm vô tội vạ vào nền kinh tế bởi ngân hàng trung ương, và các chương trình kích thích kinh tế của chính phủ có thể gây ra lạm phát. Điều này khiến cơn sốt vàng trở thành một điềm báo kinh tế đáng lo ngại hơn.
Trong quá khứ, các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã coi vàng như một tài sản chỉ để tích lũy mà chẳng mang lại lợi ích gì. Theo nhiều cách, vàng, cũng giống như dầu mỏ, quặng sắt hoặc bất kỳ loại tài nguyên hóa thạch nào khác. Hầu hết giá của chúng đều tăng và giảm theo chu kỳ, chứ chúng không tăng giá trị theo thời gian.
Với vai trò là một nơi trú ẩn an toàn khi các loại tài sản khác biến động, vàng đã được yêu thích hơn so với các mặt hàng khác, nhưng nó vẫn chưa phải là một khoản đầu tư năng động. Trong thế kỷ qua, giá vàng, sau khi hiệu chỉnh lạm phát, tăng trung bình chỉ 1,1% một năm, so với 6,5% của thị trường cổ phiếu Mỹ. Ngay cả trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, được coi là tài sản phi rủi ro nhất trên thế giới, cũng sinh lợi nhuận hàng năm cao hơn.
Vàng thường tỏa sáng trong khủng hoảng. Nó đã tăng giá trong bối cảnh lạm phát đình trệ của những năm 1970, tăng hơn 7 lần trong suốt thập kỷ đó, đạt mức cao nhất là 850 USD vào đầu năm 1980. Nó tăng trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đạt đỉnh 1.900 USD vào năm 2011, nhưng sau đó nó đã trượt giá trong phần lớn thời gian của thập kỷ tiếp theo.
Vào năm 2019, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ báo hiệu rằng họ sẽ tạm dừng kế hoạch đẩy lãi suất lên cao hơn, vàng lại tiếp tục tăng. Trong lịch sử, vàng tăng giá cao nhất khi lãi suất giảm xuống dưới tỷ lệ lạm phát. Khi lợi tức trái phiếu sau hiệu chỉnh lạm phát âm, các nhà đầu tư cảm thấy an toàn hơn khi sở hữu vàng - như một vật tích trữ giá trị, ngay cả khi nó không mang lại lợi ích gì.
Đó là những gì đã xảy ra trong vài tháng qua. Với lợi suất trái phiếu gần bằng 0 ở Mỹ, âm ở châu Âu và Nhật Bản, các nhà đầu tư đã đẩy giá vàng tăng hơn 30% trong năm nay, sau khi tăng gần 20% vào năm ngoái. Trong những tuần gần đây, sự gia tăng còn được đẩy lên nhanh hơn bởi những lo ngại ngày càng tăng rằng: "núi" tiền mà các chính phủ đang bơm vào nền kinh tế sẽ gây ra lạm phát.
Ngoài ra, với việc định giá cổ phiếu cao hơn mức trung bình dài hạn, vàng có vẻ khá rẻ. Và với nguy cơ lạm phát hiện hữu, một số nhà đầu tư coi vàng là một sự thay thế ổn định cho đồng USD và các loại tiền tệ chính khác. Vàng cũng đang kéo giá của bạc - một kim loại quý kém hấp dẫn hơn. Giá bạc cũng tăng từ mức suy giảm bất thường, bởi mọi người đang xem nó như một nơi lưu trú an toàn, theo cùng xu hướng giống như vàng.
Để vàng tiếp tục tăng giá, kỳ vọng lạm phát sẽ phải tiếp tục tăng. Dự đoán lạm phát cao hơn thường là sai, như đã từng thấy với phần lớn thời gian trong bốn thập kỷ qua. Nhưng xác suất lạm phát tăng dường như đang khá cao. Hầu hết các quốc gia đã tung ra những gói kích thích kỷ lục, vào thời điểm mà các yếu tố duy trì lạm phát trong tầm kiểm soát, như toàn cầu hóa, đang suy yếu. Thông thường, nếu lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương có thể dựa vào đó để tăng lãi suất, nhưng các quan chức Fed đã ra dấu hiệu rằng họ không "nghĩ đến việc tăng lãi suất" và không dự kiến sẽ tăng trước năm 2022.
Đây không phải là một bước đi đúng đắn. Khi lãi suất ở mức thấp này, tiền bị mất giá sẽ khiến mọi người đầu tư vào các tài sản phần lớn chỉ có mục đích tích trữ. Vàng là ví dụ điển hình vừa rồi. Rủi ro lớn hơn là kiểu đầu cơ tài chính thuần túy này làm suy yếu nền kinh tế bằng cách hút vốn khỏi các ngành nơi tiền được sử dụng hiệu quả hơn.
"Nếu xem như một khoản đầu tư, vàng không có tố chất nào mà tôi đánh giá cao, như sự đổi mới và năng động, và gây ra nhiều tệ nạn mà tôi coi thường, bao gồm cả tư duy "kiếm tiền thuê" điển hình của các ngành khai thác. Nhưng đây là tình huống bất thường. Trừ khi có vaccine trong ngắn hạn, các ngân hàng trung ương ngừng bơm tiền liên tục vào nền kinh tếvà lãi suất thực bắt đầu tăng trở lại, nếu không thì rất khó để không trở thành một con bọ vàng ở thời điểm hiện tại" - Ruchir Sharma - Trưởng chiến lược gia toàn cầu tại Morgan Stanley Investment Management viết.