Trước lượt đấu cuối của nhóm đua trụ hạng, Đà Nẵng đang là đội yếu thế nhất khi đứng cuối bảng xếp hạng với chỉ 11 điểm, kém 3 điểm so với hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Bình Dương và CLB TP.HCM (cùng 14 điểm).
Cục diện cuộc đua trụ hạng V-League 2023 trước lượt trận cuối. (Ảnh: VPF)
Với cục diện này, cho dù Đà Nẵng có đánh bại Khánh Hòa với tỷ số bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng là kết quả vô nghĩa nếu ở trận đấu cùng giờ, CLB TP.HCM và Bình Dương cầm hòa nhau trên sân Thống Nhất. Lúc này, Đà Nẵng chỉ biết cầu nguyện Bình Dương sẽ thắng TP.HCM. Khi ấy, Đà Nẵng và CLB TP.HCM cùng có 14 điểm, nhưng đội bóng sông Hàn sẽ trụ hạng nhờ hiệu số bàn thắng bại tốt hơn.
Liệu Bình Dương và CLB TP.HCM có bắt tay nhau ở trận cuối để chính thức trụ lại V-League? Trước câu hỏi ấy của giới truyền thông sau trận thắng Khánh Hòa ở vòng đấu trước, HLV Lê Huỳnh Đức tuyên bố Bình Dương chẳng dại gì bắt tay với CLB TP.HCM và sẽ chơi một trận đấu sòng phẳng.
Nhưng ai sẽ tin lời tuyên bố ấy của HLV Lê Huỳnh Đức, một người con của TP.HCM nhưng lại có ân tình sâu đậm với đội bóng sông Hàn khi từng giúp Đà Nẵng 2 lần vô địch V-League vào các năm 2009 và 2012, bên cạnh đó là danh hiệu Cúp quốc gia 2009 và Siêu cúp 2012.
Nhất là khi trên mạng xã hội, ngay sau khi lượt đấu áp chót kết thúc, nhiều thông tin được chia sẻ khiến người hâm mộ thêm hoài nghi vào sự sòng phẳng và minh bạch của trận đấu giữa TPHCM và Bình Dương sắp tới.
Đà Nẵng mất quyền tự quyết sau trận thua SLNA 0-1 ngay trên sân nhà Hoà Xuân. (Ảnh: VPF)
“TP.HCM & Bình Dương dìu nhau trụ hạng. Đà Nẵng rớt hạng vì lý do bất ngờ ngoạn mục,” nhiều thông tin chia sẻ và tiết lộ thêm rằng “biết, nhưng không nói được”. Như thế có nghĩa là đã có sự dàn xếp từ trước khi trái bóng bắt đầu lăn? Dĩ nhiên, chẳng ai có thể đưa ra đáp án hoàn toàn chuẩn xác.
Nhưng khi tấm màn nhung V-League 2023 sắp sửa khép lại, cũng là lúc người hâm mộ đặt ra câu hỏi về niềm tin, khi mà giải bóng đá hạng cao nhất Việt Nam mùa này đã từng vướng phải những lùm xùm về công tác trọng tài hay kết quả một số trận đấu để lại nhiều nghi vấn về câu chuyện nhường điểm số.
Chẳng nói đâu xa, trận Nam Định gặp CLB Công an Hà Nội mới đây đã để lại nhiều dư âm tiêu cực. Trước trận, Nam Định đứng thứ 5 và còn nguyên cơ hội đua vô địch. Tuy nhiên, HLV Vũ Hồng Việt không tung ra sân đội hình mạnh nhất và có những dấu hiệu bất thường trong các bàn thua dẫn đến thất bại 1-2 trên sân nhà Thiên Trường. CĐV Nam Định vì thế phản ứng dữ dội, bằng cách bỏ về, ném đồ đạc, đốt áo và doạ tẩy chay đội bóng. Ngày 3/8, Ban tổ chức V-League phải gửi công văn nhắc nhở thái độ thi đấu của Nam Định. Mới nhất, vì mất niềm tin với đội bóng, Hội Cổ động viên Bóng đá Nam Định đã giải thể.
Bình Dương và CLB TP.HCM liệu có hoà rồi "dắt tay nhau" trụ hạng ở vòng đấu cuối? (Ảnh: VPF)
Bóng đá Việt Nam đã lên chuyên được hơn 2 thập kỷ và trong 2 thập kỷ ấy, có rất nhiều câu chuyện buồn liên quan tới tiêu cực móc ngoặc, bán độ. Người hâm mộ chỉ thực sự quay lại với niềm đam mê bóng đá từ sau thành công rực rỡ của các đội tuyển Việt Nam khoảng 5 năm trở lại đây. Muốn giữ được tình cảm của người hâm mộ, các trận đấu phải luôn diễn ra với chất lượng chuyên môn cao nhất cùng sự khát khao cống hiến của cầu thủ trên sân.
Trong vai trò của đơn vị tổ chức, VPF cũng rất nỗ lực trong việc xử lý các biểu hiện tiêu cực, ví dụ như văn bản mới đây chấn chỉnh thái độ thi đấu của Nam Định. Nhưng phòng bao giờ cũng hơn chống khi sự đã rồi. Một động thái chính thức cần thiết từ phía ban tổ chức, khi dư luận đang đẩy bầu không khí trước trận Bình Dương - CLB TP.HCM sang hướng tiêu cực, có lẽ sẽ rất kịp thời vào lúc này.
Sau bài học của CLB Nam Định, HLV Lê Huỳnh Đức khẳng định chẳng câu lạc bộ nào dại dột làm điều đó. Bình Dương sẽ đá hết mình, thắng thua cứ để giới chuyên môn phán xử. Tin rằng Bình Dương sẽ thi đấu đúng với tinh thần mà ông Đức đã tuyên bố, để bóng đá trở về với vẻ đẹp vốn có của thể thao: trung thực và cao thượng.