Trong tháng 4/2017, Tổng thống Trump đã ra lệnh phóng 61 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat tại Syria sau nghi ngờ về một cuộc tấn công hóa học nhằm vào người dân thường ở Khan Sheikhoun.
Đây là cuộc tấn công trực diện đầu tiên của Mỹ nhằm vào lực lượng quân đội ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ khi nội chiến nổ ra tại Syria trong tháng 3/2011.
Tờ Guardian (Anh) đánh giá nếu Tổng thống Trump ra lệnh mở chiến dịch tấn công thứ hai thì nhiều khả năng sự kiện này sẽ mang tính toàn diện hơn. Tổng thống Mỹ sẽ muốn thể hiện bản thân là người cứng rắn nếu ông cảm thấy ranh giới đỏ đã bị vi phạm.
Trong trường hợp này các căn cứ không quân khác tại Syria dự kiến trở thành mục tiêu tiềm năng.
Trong khi đó, xét về khả năng phòng vệ của Syria, thì hệ thống phòng không của quân đội quốc gia này vốn đã chịu nhiều “thương tích” do các cuộc tấn công được cho là của Israel trong tháng 3.
Về phần quân lực của Mỹ trong khu vực, Washington hiện duy trì nhóm chiến hạm ở phía Đông Địa Trung Hải được trang bị đầy đủ tên lửa. Ngoài ra, còn khá nhiều chiến đấu cơ của Mỹ đang “nằm vùng” ở Qatar và trên các hàng không mẫu hạm ở Vùng Vịnh, vốn đảm đương nhiệm vụ ném bom các vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Việc bay qua không phận Iraq hoặc Saudi Arabia để ném bom Syria có thể khá khó khăn, do vậy tên lửa trở thành lựa chọn được ưu tiên trong viễn cảnh Mỹ quyết định ra tay, bởi tên lửa sẽ khó bị bắn hạ hơn.
Trong trường hợp Mỹ tấn công Syria, câu hỏi lớn nhất được được đặt ra là phản ứng của Nga. Được biết, Nga đã bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 trên lãnh thổ Syria trong hơn 1 năm. S-400 được coi là mối đe dọa “chết chóc” với các chiến đấu cơ hiện đại.
Trong những cuộc tấn công trước vào Syria, Nga đôi khi đã khởi động S-400 trong thời gian ngắn nhưng chưa chính thức sử dụng hệ thống này. Tuy nhiên, việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo Tổng thống Trump không được tấn công Syria có thể được hiểu rằng trong lần tới S-400 sẽ nhận mệnh lệnh thực sự.