Bất cứ ai làm điều khuất tất thì trước sau cũng bị xử lý
Ban Chấp hành Trung ương vừa bỏ phiếu quyết định kỷ luật cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đối với ông Nguyễn Xuân Anh. Ông có đánh giá gì về quyết định kỷ luật này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, với các sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh như thông báo của Ủy ban Kiểm tra trước đây thì cái gì đến sẽ phải đến và hình thức kỷ luật cách chức Bí thư, cho thôi Ủy viên Trung ương là rất cần thiết nhằm giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, luật pháp Nhà nước.
Còn tất nhiên không ai vui vẻ, mong muốn việc phải kỷ luật đồng chí của mình, nhất là những người giữ trọng trách cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, địa phương mà cụ thể Đà Nẵng đang được coi là điểm sáng, phát triển trong nhiều năm qua.
Thêm vào đó, ông Nguyễn Xuân Anh cũng là cán bộ trẻ được tín nhiệm, bầu Ủy viên dự khuyết Trung ương khóa 11 và Ủy viên Trung ương chính thức khóa 12, bầu Bí thư Thành ủy một thành phố lớn như thế nên việc mắc khuyết điểm, kỷ luật như vậy cũng rất đáng tiếc.
Qua đây là bài học sâu sắc trong công tác lựa chọn cán bộ thế nào cho chuẩn xác, nhất là cán bộ trẻ khi đưa vào các vị trí lãnh đạo, quản lý cấp cao.
Qua việc xử lý ông Xuân Anh thì mỗi cán bộ, lãnh đạo sẽ phải rút ra cho mình bài học về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ, tránh sa đà vào những ham muốn vật chất tầm thường.
Đặc biệt, các cán bộ trẻ càng phải suy nghĩ đến vấn đề này, đừng để tuổi trẻ, vừa vào chức vụ đã bị những cám dỗ, vật chất chi phối và như vậy, rõ ràng anh thiếu tu dưỡng, bản lĩnh, phẩm chất chính trị cần thiết của một người lãnh đạo.
Cùng với đó, các tổ chức Đảng cũng cần có sự giám sát, kiểm tra thường xuyên đối cán bộ, nhất là cán bộ trẻ được giao giữ các trọng trách quan trọng, tránh tình trạng lộng quyền, lạm quyền, vi phạm, mất tập trung, dân chủ.
Ông Nguyễn Xuân Anh. Ảnh: Đình Thức.
Ông Nguyễn Xuân Anh được coi là "hạt giống đỏ" và qua các phát ngôn, hành động khi mới nhậm chức Bí thư Đà Nẵng khiến người dân đã kỳ vọng rất nhiều.
Tuy nhiên, qua các vi phạm nghiêm trọng của ông này và việc bị kỷ luật, nhiều người lại bày tỏ dường như đúng với câu "kỳ vọng nhiều lại thất vọng nhiều". Ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Trước đây, khi xem xét danh sách Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 với các đồng chí rất trẻ, lại được bồi dưỡng, đào tạo như Xuân Anh, không chỉ tôi mà nhiều người cũng rất kỳ vọng, mừng và mong các vị sẽ tốt lên để phục vụ Đảng, đất nước, nhân dân.
Tuy nhiên, bản thân của ông ấy lại không đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của Đảng, của các đảng viên, nhân dân.
Nhưng theo tôi, ở đây, Đảng cũng như một cơ thể sống vậy, đưa vào những cán bộ có đủ đức, tài, năng lực thì cũng cần phải kỷ luật, đưa ra những cán bộ sai phạm, hư hỏng.
Việc thải loại này rất cần thiết, đồng thời, giúp răn đe các cán bộ dù ở bất cứ cấp nào nếu không chịu tu dưỡng, rèn luyện, có ý thức trách nhiệm với đất nước, nhân dân thì anh có là gì, có ẩn nấp, tự che giấu như thế nào cuối cùng bản chất hư hỏng cũng sẽ tự bộc lộ.
Những kẻ xấu, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, lợi ích nhóm, tham nhũng... sẽ không có nơi nào ẩn nấp đâu, nhất là khi chúng ta đang tích cực phát huy dân chủ, mọi việc đều công khai, minh bạch, được bàn bạc trong Đảng, trong dân.
Đảng kỷ luật nhưng không ngăn chặn hoàn toàn đường tiến thủ của ông Xuân Anh
Qua việc kỷ luật này, cá nhân ông có muốn nhắn gửi điều gì đến ông Nguyễn Xuân Anh?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Tôi nghĩ rằng, bây giờ ông Xuân Anh sẽ phải ngồi suy ngẫm lại trước các sai phạm của mình và tôi mong anh không nên tiêu cực.
Tôi tin rằng, một người có bản lĩnh, được giáo dục, rèn luyện, nhất là trong gia đình có truyền thống thì ông Xuân Anh sẽ sớm bình tâm lại, từ đó, điểu chỉnh lại cuộc sống, công việc của mình.
Còn dù bị kỷ luật cho thôi Ủy viên Trung ương Đảng, cách chức Bí thư Thành ủy nhưng ông Xuân Anh vẫn là Đảng viên nên nếu một Đảng viên bình thường chấp hành kỷ luật của Đảng, sửa chữa lại khuyết điểm, phấn đấu, làm tốt công việc thì vẫn rất cần thiết.
Đảng kỷ luật nhưng không hề ngăn chặn hoàn toàn con đường tiến thủ của ông Xuân Anh mà từ bài học của cuộc đời, của sự nghiệp khi ông vẫn còn trẻ, nếu biết sửa, vấp ngã đứng lên, tiến bộ thì triển vọng vẫn phát triển tốt.
Một số ý kiến cho rằng, sau khi bị kỷ luật, ông Nguyễn Xuân Anh nên xin lỗi Đảng, nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước, Ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Trước đây, Bác Hồ cũng đã nói, làm sai thì phải thành thật nhận lỗi trước dân nên qua việc bị kỷ luật này, nếu ông Xuân Anh làm được việc xin lỗi Đảng, Đảng bộ, nhân dân Đà Nẵng thì sẽ tốt thôi.
Tôi tin, khi ông Xuân Anh biết sai, xin lỗi rồi tự răn mình, sửa chữa thì Đảng, nhân dân sẽ luôn rộng lượng tha thứ, giúp ông tiến bộ chứ không bao giờ kỳ thị, hắt hủi.
Qua đây, theo tôi, chúng ta cũng nên suy nghĩ đến một văn hóa ứng xử cao hơn, đó là từ chức.
Cụ thể, khi thấy có sai phạm, không đáp ứng được công việc, xứng đáng với niềm tin của Đảng, nhân dân thì nên từ chức chứ đừng chờ cơ quan chức năng vào kiểm tra rồi kỷ luật mình.
Nếu từ chức rồi xin lỗi thì sẽ rất hay và nó thể hiện văn hóa, lòng tự trọng của mỗi cán bộ. Đảng, Nhà nước nên xây dựng cơ chế rõ ràng về việc này và khuyến khích nó.
Tôi muốn nhấn mạnh, các Đảng viên, cán bộ, công chức đừng nên lấy lý tưởng sống là làm mọi thứ để mong cầu có nhà, có xe, chút bổng lộc tầm thường mà hãy bứt phá ra để cống hiến, thực tâm vì nước, vì dân.
Khi mình làm được việc cho nước, cho dân thì chắc chắn sẽ được đánh giá cao, ghi nhận.