Nếu người có chức quyền thiếu liêm chính, điều gì cũng có thể xảy ra!

N.Huyền (thực hiện) |

"Xét cho cùng là tính liêm chính của cán bộ công chức kể cả của cán bộ lãnh đạo. Nếu “người có chức quyền” và “người muốn chức quyền” đều vụ lợi, thiếu liêm chính thì bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra".

Đây là ý kiến của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Infonet về việc bổ nhiệm “thần tốc” Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đang nóng dư luận những ngày gần đây.

- Chỉ trong thời gian ngắn, báo chí đã phản ánh tới 2 vụ bổ nhiệm “thần tốc” tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ khiến dư luận bức xúc.

Với tư cách là ĐBQH, Uỷ viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về 2 quyết định bổ nhiệm này?

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: Qua dư luận thì đây là vấn đề rất bức xúc, vì nếu trong trường hợp bình thường một cán bộ công chức phải phấn đấu nhiều năm, thậm chí cả đời có thể mới được bổ nhiệm chức vụ đó, ngược lại, trường hợp này, chỉ trong một thời gian rất ngắn đã bổ nhiệm chức Vụ phó một cơ quan rất quan trọng, sau đó chuyển cơ quan cũng rất nhanh.

Dư luận đặt vấn đề: Liệu có sự xuất chúng không? Đã đúng quy trình chưa? Tại sao vừa bổ nhiệm xong lại cho chuyển ngay về địa phương?...

Hơn nữa, người được bổ nhiệm lại là cháu của một cán bộ sỹ quan cao cấp trong ngành Công an công tác tại Ban chỉ đạo… Do đó, dư luận đặt nhiều nghi vấn ở tính minh bạch, đúng đắn của việc bổ nhiệm.

- Không chỉ có “vấn đề” ở khâu bổ nhiệm, như ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đã từng nêu ra ở trường hợp ông Vũ Minh Hoàng thì việc “tuyển chọn” cũng bất chấp quy định của pháp luật.

Và tiếp tục mới đây ông Nguyễn Tiến Khoa cũng từng được tuyển dụng và bổ nhiệm “siêu tốc” không kém, ông lý giải như thế nào khi sâu chuỗi hai sự việc này xảy ra tại cùng một đơn vị, có sự “cố tình” hay không?

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Cũng qua dư luận, việc bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Khoa từ chuyên viên lên Phó trưởng phòng, Phó Giám đốc Nhà khách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, rồi Phó vụ trưởng, thì đây cũng là một “hiện tượng” khá “thần tốc”.

Theo đó, từ chuyên viên lên Phó vụ trưởng chỉ trong vòng khoảng 20 tháng (chậm hơn 5 tháng so với ông Vũ Minh Hoàng).

Việc này chưa nói có hay không có sự “cố tình” nhưng xảy ra trong cùng một cơ quan, trong cùng một giai đoạn, sau đó đều chuyển sang cơ quan mới (ông Hoàng về công tác tại TP. Cần Thơ, ông Khoa lại xin quay ra Hà Nội trong khi nói là… muốn góp sức giúp đồng bằng Sông Cửu Long!), do đó cũng có sự khó hiểu.

Người ta hoàn toàn có quyền đặt vấn đề nghi ngờ về sự không bình thường của hai trường hợp nêu trên.

- Bên cạnh dư luận không đồng tình cũng có ý kiến cho rằng “những người phản đối là thủ cựu, tư duy ấy không thu hút được nhân tài”. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Ý kiến dư luận trái chiều là bình thường, vì vụ việc chưa được làm sáng tỏ.

Theo tôi, vấn đề là ở chỗ: (1) Có phải đó là quá trình chọn “nhân tài” hay không? (2) Những người được chọn có xứng đáng là “nhân tài” không? (3) Dựa trên quy định nào để tuyển chọn, bổ nhiệm nhanh chóng, bổ nhiệm khi chưa được kiểm nghiệm, đánh giá qua công việc… rồi lại cho đi khỏi cơ quan khẩn trương như vậy?

Theo tôi, việc có bằng cấp ở nước ngoài không phải là tiêu chí quan trọng nhất để tuyển dụng. Thực tế cho thấy, không phải có nhiều ngoại ngữ, nhiều bằng cấp là có tài, không thể đồng nhất các vấn đề đó.

Điều quan trọng là phải xem ứng viên có đủ các phẩm chất, năng lực cần thiết hay không? Đặc biệt, khi xem xét tuyển dụng vào các cơ quan Đảng, Nhà nước cấp Trung ương, cần phải đảm bảo vấn đề an ninh nội bộ, không được lợi dụng vị trí để vụ lợi, gây ảnh hưởng xấu đến cơ quan.

Đánh giá "tài năng" là vấn đề khá phức tạp, cần có những tiêu chí và được đánh giá khách quan, chứ không phải dựa vào số lượng bằng cấp, số ngoại ngữ

- Hiện ông Vũ Minh Hoàng cũng đã lên tiếng cho rằng “thích chính trị từ nhỏ”, còn ông Nguyễn Tiến Khoa cũng nêu lý do nguyện vọng làm việc ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ “để được học hỏi, phát huy kinh nghiệm và kiến thức của mình”…

Tuy nhiên, cả hai “nhân tài” đều chỉ xem nơi này như là “bước đệm” khi làm việc trong thời gian ngắn thậm chí chỉ làm việc trên… giấy rồi được xin, hoặc xin chuyển đi đơn vị khác.

Xin ông có thể lý giải vì sao họ lại chọn nơi này mà không phải địa phương khác?

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Câu hỏi này quả là khó trả lời, tôi thực sự cũng đang đặt câu hỏi về động cơ, tính trung thực trong lời trình bày của những cá nhân đó cũng như ý kiến của các cơ quan có liên quan.

Tuy nhiên, sự việc đang đặt ra nhiều vấn đề cho Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhất là những đồng chí có trách nhiệm đến việc tiếp nhận, bổ nhiệm và cho phép họ “xuất bến”.

- Qua hàng loạt những vụ bổ nhiệm gần đây khiến dư luận hoài nghi, bức xúc theo ông có lỗ hổng gì không trong công tác cán bộ hiện nay? Sau 2 trường hợp này, ông có kiến nghị gì?

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Lỗ hổng lớn hiện nay về công tác cán bộ gần đây đã được Trung ương tổng kết trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư (khóa XII) rất nhiều, đa dạng gồm: suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Theo tôi, xét cho cùng là tính liêm chính của cán bộ công chức kể cả của cán bộ lãnh đạo. Nếu “người có chức quyền” và “người muốn chức quyền” đều vụ lợi, thiếu liêm chính thì bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra.

Vì vậy, cần đề cao tính liêm chính, kỉ luật, kỉ cương và trách nhiệm của cán bộ công chức, nhất là của người lãnh đạo, người đứng đầu.

Đảng, Nhà nước cần “mạnh tay” để “củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng” như Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 đã đặt ra.

Xin cảm ơn ông đã giành cho Infonet cuộc phỏng vấn này!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại