Nếu nghĩ Vape là an toàn thì bạn nhầm to rồi đấy!

Minh Khánh |

Cùng tìm hiểu cấu tạo, nguyên lý hoạt động của vape và xem liệu thú chơi này có thực sự an toàn?

Hiện nay, giới trẻ đang rộ lên phong trào chơi "vape" - một loại thiết bị chơi "thuốc lá điện tử" giống như e-cigarette.

Bên cạnh là một trào lưu "có vẻ hay ho", vape cũng đang được xem như một phương pháp thay thế cho việc hút thuốc lá truyền thống. Chúng được các hãng sản xuất quảng cáo với nhiều ưu điểm như "không ảnh hưởng người xung quanh, không tàn thuốc, ít gây bệnh…"

Vậy liệu tính đúng đắn trong những lời quảng cáo như trên là bao nhiêu? Và liệu việc phổ biến thuốc lá điện tử có nên được khuyến khích?

Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cấu tạo bên trong, cách hoạt động và một số nghiên cứu của các nhà khoa học về thuốc lá điện tử.

Cấu tạo và cách thức hoạt động

Vape có nhiều loại với kiểu dáng khác nhau, có loại mang hình dáng cực đơn giản, giống như một chiếc bút máy (vape pen), cũng có loại to hơn hay cả màn hình hiển thị.

Nhưng về cơ bản, một chiếc vape bắt buộc phải có ba bộ phận chính: pin, buồng chứa dung dịch và máy phun.

Nếu nghĩ Vape là an toàn thì bạn nhầm to rồi đấy! - Ảnh 1.

Ba bộ phận chính trong một "điếu thuốc" điện tử": pin (lithium-ion battery) - buồng chứa dung dịch (cartridge) – máy phun (atomizer).

Trong đó, pin cung cấp nguồn năng lượng để đốt dịch thuốc (e-juice) trong buồng chứa. Và cuối cùng, máy phun có tác dụng hút dung dịch trong buồng chứa vào máy và làm nóng đến điểm bay hơi, sau đó dẫn luồng hơi này vào miệng người dùng.

E-juice dùng trong vape và e-cigarette giống nhau - được tạo thành từ glycerin thực vật, propylene glycol, nicotine và hương liệu. Các hãng sản xuất ngày nay tạo ra rất nhiều kiểu dung dịch để đáp ứng nhu cầu người dùng từ chứa nhiều đến không chứa nicotine, không mùi đến đủ loại mùi như bạc hà, dâu, cam,…

Các dung dịch này được bán riêng trong lọ, khi cần sử dụng, người dùng sẽ đổ dung dịch từ lọ vào buồng chứa.

Nếu nghĩ Vape là an toàn thì bạn nhầm to rồi đấy! - Ảnh 2.

 Dung dịch "thuốc lá" lỏng được sản xuất với đủ loại hương vị

Khi hút, dung dịch được hút từ buồng chứa vào máy phun và tại đây sẽ được làm nóng bằng hai cách: Cách dẫn nhiệt nung nóng trực tiếp dung dịch, hoặc cách đối lưu nung nóng gián tiếp bằng việc thổi luồng không khí nóng qua dung dịch. Đây cũng chính là khác biệt giữa vape và e-cigarette.

Cụ thể hơn, các e-cigarette thường đun nóng bằng cách dẫn nhiệt. Cách này có nhược điểm là gây quá tải nhiệt, dẫn đến việc e-juice có thể bị cháy, sinh ra những sản phẩm cháy độc hại với cơ thể.

Trong khi đó, cách đốt nóng bằng đối lưu trong vape lại khắc phục được nhược điểm đó nên thông thường các giá thành của vape cao hơn các loại thuốc lá điện tử thông thường.

Nếu nghĩ Vape là an toàn thì bạn nhầm to rồi đấy! - Ảnh 3.

Máy phun trong "điếu thuốc" biến dung dịch thuốc thành hơi và đưa vào miệng người hút

Vậy thực sự vape có an toàn?

Do cách thức hoạt động là làm bay hơi chứ không đốt cháy các nguyên liệu như thuốc lá truyền thống nên thực tế thuốc lá điện tử không tạo ra sản phẩm cháy như thuốc lá thông thường, mà là hơi nước với mùi hương của hương liệu.

Điều này cho thấy ít nhất những người xung quanh không phải nhăn mặt như khi ngửi phải khói thuốc.

Tuy nhiên, về việc "không ảnh hưởng người xung quanh" thì cần phải xem xét. Bởi dù không có những chất độc khác thì bản thân nicotine đã là một chất độc gây hại cho não bộ, sự phát triển thai nhi và tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu.

Nếu nghĩ Vape là an toàn thì bạn nhầm to rồi đấy! - Ảnh 4.

Đồng thời, một nghiên cứu vào năm 2015 của các nhà khoa học tại ĐH Johns Hopkins (Hoa Kỳ) cho thấy dù không có phản ứng cháy nhưng thuốc lá điện tử nói chung và vape nói riêng vẫn tạo ra các gốc tự do như trong thuốc lá truyền thống.

Các gốc tự do đi vào cơ thể khi hút thuốc lá điện tử, dù chỉ bằng 1/100 so với thuốc lá truyền thống, vẫn đủ khả năng gây tổn thương phổi và làm suy yếu hệ miễn dịch.

Nếu nghĩ Vape là an toàn thì bạn nhầm to rồi đấy! - Ảnh 5.

Ngoài nicotine, thì thuốc lá điện tử cũng tạo ra các gốc tự do gây hại cho tế bào, dù ở hàm lượng nhỏ hơn so với thuốc lá thật

Một tác hại nữa của thuốc lá điện tử thực chất lại đến từ tâm lý chủ quan của người sử dụng, khi họ nghĩ rằng kiểu hút thuốc mới ít độc hại hơn, và cuối cùng họ lại hút nhiều hơn.

Kể cả khi vape không có hại bằng thuốc lá thật (điều này còn gây tranh cãi), thì việc sử dụng vape nhiều cũng cho tác hại tương đương, thậm chí là khủng khiếp hơn.

Và đặc biệt với những ai chưa từng hút thuốc thì cũng đừng nên thử thuốc lá điện tử, bởi một số báo cáo cho thấy người chưa bao giờ hút thuốc nhưng dùng thuốc lá điện tử sẽ có khả năng hút thuốc thật cao gấp hai lần so với những người chưa từng động tới.

Nếu nghĩ Vape là an toàn thì bạn nhầm to rồi đấy! - Ảnh 6.

 Tốt nhất hãy luôn nói không với bất bất kì loại thuốc lá nào!

Ngày Thế giới Không Thuốc lá là ngày lễ do tổ chức Y tế Thế giới WHO phát động nhằm gây sự chú ý của cộng đồng tới tác hại của thuốc lá, từ đó để những người đã và đang hút thuốc có thể từ bỏ thói quen xấu này.

Ngày Thế giới Không Thuốc lá được tổ chức vào 31/05 hàng năm. Chủ đề của ngày Thế giới Không Thuốc lá 2016 là "Hãy sẵn sàng thực hiện đóng gói thuốc lá bằng bao bì trơn (bao bì không có logo và màu sắc mang tính quảng cáo).

Mục đích nhằm nêu bật những nguy cơ sức khỏe liên quan đến sử dụng thuốc lá và ủng hộ các chính sách hiệu quả để giảm sử dụng thuốc lá.

Nguồn: Vaporfi, Quit Smoking Community, Guardian, Telegraph, UCSF

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại