Nếu muốn con mình chậm nói và bạo lực, hãy cứ đưa chúng smartphone, tablet!

Hoa Hướng Dương |

Nếu không nhận thức được điều này trong giai đoạn phát triển quyết định của trẻ, chúng có thể gặp nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Trẻ em ngày nay dễ dàng tiếp xúc với các thiết bị công nghệ điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop...mỗi ngày, mà chủ yếu là từ những người thân trong gia đình như anh chị, bố mẹ.

Tuy nhiên, có lẽ người lớn đang vô tình khiến cho sự phát triển của con em mình bị ảnh hưởng theo chiều hướng không tốt.

Những kết quả nghiên cứu mới nhất được công bố

Nếu muốn con mình chậm nói và bạo lực, hãy cứ đưa chúng smartphone, tablet! - Ảnh 1.

Trẻ em sử dụng máy tính bảng hay điện thoại thông minh quá sớm sẽ có nguy cơ chậm nói. Ảnh Internet.

Kết quả nghiên cứu mới vừa được công bố tại Hội nghị thường niên các Hiệp hội nhi khoa diễn ra ở San Francisco (Mỹ) chỉ ra rằng trẻ em (6 tháng đến 2 năm tuổi) sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay sẽ dễ bị chậm nói hơn bé không sử dụng.

Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Toronto và Bệnh viện Nhi thành phố Toronto (Canada). Các nhà khoa học cho biết nếu trẻ sử dụng 30 phút mỗi ngày với các thiết bị này thì nguy cơ chậm nói sẽ lên tới 49%.

Tiến sĩ Catherine Briken cho rằng do tập trung quá nhiều vào các thiết bị này mà trẻ bỏ lỡ thời gian vàng để học ngôn ngữ. Ông nói: "Ngày nay, thiết bị điện tử cầm tay ở khắp mọi nơi".

Tại Anh cũng có một nghiên cứu tương tự của đại học College London, thời gian trung bình một trẻ (dưới 3 tuổi) sẽ sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính bảng một ngày là 44 phút ở nước này.

Nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng như vậy sẽ tác động tới giấc ngủ của trẻ và từ đó tác động không tốt tới khả năng phát triển não bộ, trong đó có ngôn ngữ.

Nếu muốn con mình chậm nói và bạo lực, hãy cứ đưa chúng smartphone, tablet! - Ảnh 2.

Trẻ cần giao tiếp với người khác chứ không phải là chiếc màn hình điện tử. Ảnh Internet.

Mỗi giờ trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử cầm tay sẽ khiến cho thời gian ngủ bị giảm đi 16 phút, các nhà khoa học cho biết chính ánh sáng màn hình của các thiết bị điện tử đã tác động tới đồng hồ sinh học của trẻ.

Hơn nữa những thông tin, game hay các chức năng khác trên điện thoại và máy tính còn tác động tới sự phát triển tâm lý, chúng có thể khiến trẻ bị trầm cảm hay có xu hướng bạo lực, không vâng lời. chậm nói...

Trẻ dành nhiều thời gian vào việc học sử dụng các thiết bị thay vì dành điều đó cho việc học ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp với mọi người.

Đừng để lỡ thời gian vàng trong cuộc đời của trẻ

Nếu muốn con mình chậm nói và bạo lực, hãy cứ đưa chúng smartphone, tablet! - Ảnh 3.

Hãy dành thời gian giúp trẻ phát triển từ vựng. Ảnh Internet.

Sự phát triển của trẻ chịu sự ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường, gia đình và cách dạy dỗ của bố mẹ. Trước khi tới trường để học các kỹ năng khác thì trẻ cần tập trung phát triển khả năng ngôn ngữ, kỹ năng nói của mình.

Nếu chính bố mẹ không giúp trẻ trong khoảng thời gian này, hậu quả để lại có thể sẽ theo trẻ suốt đời. Người lớn đừng vô tâm, thờ ơ mà để mặc trẻ với các thiết bị điện tử trên tay.

Nhiều người còn cho rằng các thiết bị này cũng giống như đồ chơi, giúp con ngồi yên một chỗ hay thậm chí tự hào vì cho rằng con mình thông minh khi có thể sử dụng các thiết bị điện tử từ rất sớm, từ khi còn chưa... biết nói! Đó là những nhận thức hết sức sai lầm!

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu phát triển trẻ em, chúng học từ mới chỉ khi nói chuyện với người lớn mặt đối mặt chứ không phải gián tiếp qua những chương trình trên các thiết bị này.

Trẻ ở độ tuổi từ 0 đến 6 (nhất là 4 tuổi) có cấu tạo bộ não rất đặc biệt dù đang thành hình, có thể nói đây là thời điểm vàng mang tính quyết định đối với các bé trong việc học tập, nhất là kỹ năng ngôn ngữ. Nhiều bố mẹ đang vô tình để mất thời điểm vàng phát triển của con mình vì những chiếc điện thoại, tablet - Ảnh 4.

Hãy để trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Ảnh Internet.

Khi trẻ sơ sinh ra đời, não bộ đã có tới 100 tỷ tế bào thần kinh, (mà nếu không được kích thích, số lượng sẽ giảm đi theo thời gian), trong đó vỏ đại não chiếm 14 tỉ tế bào.

Tuy vậy, kích thước và các sợi nhánh, trục thần kinh còn rất ít và phải cần được kích thích từ môi trường để củng cố, xây dựng. Chính vì thế, nếu bỏ qua thời điểm này, nhiều tế bào thần kinh sẽ mất đi và hơn hết, tế bào thần kinh không tái tạo lại suốt cuộc đời sau đó.

Các nhà khoa học cũng khẳng định 3 năm đầu đời sẽ quyết định 70 đến 80% liên kết giữa các tế bào thần kinh có được liên kết với nhau hay không?

Đây gọi là "Quy luật xén tỉa" (sử dụng nó hay mất nó) của bộ não. Ngoài ra, theo "Học thuyết tăng giảm", tiềm năng của não bộ sẽ theo quy luật giảm dần theo thời gian.

Nói cách khác, càng giáo dục muộn và qua thời điểm vàng thì tiềm năng càng được phát huy ít.

Trẻ cần nhiều kích thích hơn từ bên ngoài như trò chuyện, chơi đùa với mọi người trong gia đình chứ không phải là làm bạn với chiếc màn hình điện tử vô tri.

Chính bố mẹ là người đóng vai trò quyết định trong thời điểm "một vốn bốn lời" này, đừng để khoảng thời gian quý báu của con mình qua đi đáng tiếc và để lại những ảnh hưởng không hay sau này của trẻ.

Tham khảo: edition.cnn.com,telegraph.co.uk, sciencedaily.com.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại