01. Quy luật Hoa Sen
Trong một đầm sen, ngày đầu tiên, hoa nở rất ít, đến ngày thứ hai, số hoa nở gấp đôi ngày thứ nhất và sau đó cứ mỗi ngày, hoa sen đều nở thêm với số lượng gấp đôi ngày trước đó. Nếu như đến ngày thứ 30, hoa sen nở đầy một khu đầm thì vào ngày thứ bao nhiêu, hoa sen trong đầm nở được một nửa?
Câu trả lời liệu có phải là ngày thứ 15?
Sai. Câu trả lời là ngày thứ 29!
Tại sao lại như vậy? Thực ra, đây là một câu chuyện mang tính chất minh họa với ý nghĩa rằng, cuộc đời của rất nhiều người giống như hoa sen trong cái đầm kia, ở thời điểm bắt đầu, chúng ta ra sức làm giống như hoa sen kia ra sức nở...
Nhưng dần dần, chúng ta bắt đầu như những cánh hoa, cảm thấy khô héo mệt mỏi, thậm chí là chán chường, có thể ở ngày thứ 9, thứ 19 hay thậm chí là cố đến hết ngày thứ 29, chúng ta bỏ cuộc, chấm dứt mọi nỗ lực hay khí thế lúc đầu. Và khi đó, chúng ta cách thành công chỉ một ngày ngắn ngủi.
Trong xã hội cạnh tranh hôm nay, dù làm bất cứ việc đi chăng nữa, có thể vượt qua, bạn sẽ trụ vững; không thể vượt qua, bạn sẽ bị đào thải.
Thiếu viên gạch cuối cùng là nghị lực, đầu hàng trước khó khăn trên đường tiến bước, mọi công sức ban đầu bạn bỏ ra cũng chỉ là vô nghĩa và tất nhiên, bạn cũng đã đánh mất thành tựu, đánh mất cơ hội có cả một hồ sen nở rực rỡ.
Ở đây, quy luật hoa sen đã cho chúng ta biết một đạo lý rằng: Chìa khóa của thành công là sự kiên trì. Giống như Jack Ma – doanh nhân nổi tiếng người Trung Quốc đã khẳng định: "Bỏ cuộc là thất bại lớn nhất đời người."
02. Quy luật Cây Tre
Cây tre phải dùng 4 năm để mọc được 3 centimet , nhưng từ năm thứ 5 trở đi, nó có thể mọc 30 centimet mỗi ngày, chỉ trong vòng 6 tuần nó có thể mọc được 15 mét. Thực ra, cây tre đã sử dụng 4 năm đầu chỉ để phát triển bộ rễ.
Tương tự như vậy, đối với người hay sự việc, chúng ta không nên lo lắng phải làm nhiều mà không có hồi báo. Bởi vì khi chúng ta làm, chúng ta cho đi thì đây đều là giai đoạn cắm rễ. Đợi thời cơ đến, bạn sẽ được đền đáp xứng đáng, sau đó vươn tới một tầm cao mà không ai dám ngờ tới.
Thế nhưng, trong thực tế, liệu có bao nhiêu người có thể vượt qua 4 năm ròng rã ấy chỉ với 3 centimet ngắn ngủi? Hay đại đa số đều không đủ nhẫn nại, chỉ muốn có kết quả tức thời. Khi mọi thứ không như mong đợi, họ lại dễ dàng từ bỏ những công sức đã bỏ ra. Chính vì thế, 5 năm sau, họ vẫn không thu hoạch được gì.
Bên cạnh đó, quy luật Cây Tre cũng cho chúng ta bài học về niềm tin, về thời gian và tâm huyết cần bỏ ra để từ từ hoàn thiện bản thân mình. Chẳng có cây tre nào sau 2 đến 3 năm chưa thấy mình phát triển mà bỏ cuộc cả.
Làm người cũng nên như cây tre vậy, cứ kiên trì bền bỉ, chịu khó thì đến một ngày sẽ đạt được tầm cao. Đừng thấy khó khăn mà chùn bước, đừng thấy người khác không làm thì cũng từ bỏ. Khi nội lực đủ mạnh, bộ rễ đủ sâu, con đường thành công tự khắc sẽ thông thoáng.
Lại có câu chuyện kể rằng: Hai cây tre giống nhau cùng mọc trên ngọn núi, một cây dùng làm sáo, một cây dùng làm giá phơi đồ. Một hôm, cây dùng làm giá phơi đồ mới hỏi cây dùng làm sáo: "Tại sao chúng ta sinh ra cùng một nơi, đều là tre trên núi. Nhưng tôi mỗi ngày đều phải dãi nắng dầm mưa, còn bạn lại rất đáng tiền?"
Sáo trả lời: "Bởi vì bạn chỉ chịu một nhát dao khi bị chặt ra, còn tôi đã trải qua hàng ngàn nhát dao, được người ta chế tạo cẩn thận."
Đời người cũng như vậy, nếu có thể chịu được cực khổ, cô đơn, cọ xát với thực tế, dám đảm đương và đứng lên chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình, cuộc sống mới có giá trị. Khi bạn nhìn thấy vinh quang của người khác, đừng ganh tỵ, họ xứng đáng vì họ trả nhiều hơn mình. Trưởng thành không phải là trải qua thất bại một lần, mà phải tích lũy nhiều lần, cả về tri thức lẫn kinh nghiệm sống.
03. Quy luật Ve Sầu
Có một loại ve sầu tên là Magicicada, được tìm thấy ở vùng miền đông Bắc Mỹ, chỉ xuất hiện sau khi trải qua vòng đời của mình dưới lòng đất từ 13 đến 17 năm. Suốt thời gian đó, chúng chịu đựng mọi loại cô đơn một mình, dựa vào nhựa cây hút được từ rễ mà trưởng thành.
Mãi đến khi kết thúc giai đoạn ấu trùng, vào một đêm mùa hè, chúng mới chui lên mặt đất, lột xác trên cây, cơ thể chuyển dần từ màu trắng sang màu đen. Giờ phút này, chúng mới thật sự trở thành chú ve sầu đúng nghĩa, có thể tự do bay lượn khắp nơi.
Càng gần đến thành công, sẽ càng gặp nhiều khó khăn, nhưng đó là lý do chúng ta càng phải kiên trì. Đây gọi là Định luật Ve Sầu.
Người xưa có câu "Hành bách lý giả bán cửu thập" ám chỉ việc có rất nhiều người đặt mục tiêu đi 100 km nhưng đi được 90 km đã bỏ cuộc. Có những người đã gần chạm đến đích rồi vẫn từ bỏ, trong khi thành quả đang ở ngay trước mắt.
Thất bại luôn ở xung quanh chúng ta, chỉ chờ chúng ta nản lòng cho dù 1 giây để ập đến, và vậy là mọi công sức sẽ "xuống sông xuống biển", như vậy thực sự không xứng đáng chút nào.
Ba quy luật này cho chúng ta biết một đạo lý: Khi con người chiến đấu đến cùng, điều cần nhất không phải là may mắn hay thông minh, mà là kiên trì, thực sự kiên trì.