Nếu mắc bệnh động kinh, tài xế gây tai nạn liên hoàn sẽ bị xử lý thế nào?

Trang Anh |

Sau khi gây ra vụ tai nạn liên hoàn trên đường Quang Trung, tài xế Hưng nói bị bệnh động kinh và thời điểm đó "không biết đã xảy ra việc gì".

Liên quan đến vụ tai nạn liên hoàn ở Hà Đông khuya ngày 28/7, khiến 1 người tử vong, 5 người bị thương, công an vẫn đang điều tra làm rõ vụ việc.

Trước đó, ngày 29/7, tại trụ sở công an, tài xế Hà Thanh Hưng (SN 1977, quê Yên Bái, tạm trú tại Hà Đông, Hà Nội) khai tối hôm trước, lúc gây ra vụ tai nạn liên hoàn trên phố Ngô Thì Nhậm "không biết đã xảy ra việc gì".

Ngay sau đó cũng có nhiều người hỏi nhưng Hưng chỉ biết xua tay xin lỗi. Lý giải điều này, Hưng cho hay, anh ta bị bệnh động kinh nặng và mỗi khi lên cơn thì gần như mất hoàn toàn trí nhớ.

Đại diện Công an quận Hà Đông thông tin, lời khai ban đầu của Hà Thanh Hưng và các tài liệu, chứng cứ thu thập cho thấy, nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng trên do tài xế đã cố vượt sai quy định, từ đó không làm chủ được tốc độ. Qua kiểm tra ban đầu, tài xế điều khiển ô tô gây tai nạn không phát hiện nồng độ cồn, ma túy trong máu.

Nếu mắc bệnh động kinh, tài xế gây tai nạn liên hoàn sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn (Ảnh: VOV)

Nói về vấn đề tình hình sức khoẻ của tài xế Hưng, vợ của ông Hà Thanh Hưng xác nhận, chồng mình có tiền sử bệnh động kinh.

"Năm 2003, chồng tôi đi khám bệnh thì phát hiện bị bệnh động kinh. Từ đó trở đi lúc nào anh ấy cũng phải uống thuốc điều trị. Lần gần nhất đi khám là năm 2020, các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 vẫn kết luận là chồng tôi bị bệnh động kinh", vợ tài xế Hưng cho biết trên Báo Giao thông.

Khi được hỏi về giấy phép lái xe của ông Hưng, vợ tài xế này cho biết, chồng chị được cấp giấy phép lái xe ô tô từ năm 2014.

Bệnh động kinh có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật không?

Sau khi thông tin tài xế xe SantaFe gây tai nạn nghiêm trọng có vấn đề sức khoẻ, cụ thể là bị bệnh động kinh, nhiều người thắc mắc liệu nếu mắc bệnh động kinh thì ông Hưng có phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình không?

Nói về vấn đề này trên Báo Gia đình Xã hội, LS Đặng Văn Cường cho rằng, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu gia đình cung cấp hồ sơ bệnh án, đơn thuốc và làm rõ quá trình điều trị tâm thần của nam tài xế xe SantaFe như thế nào? Nếu cần thiết, cơ quan chức năng có thể sẽ trưng cầu giám định tâm thần để xác định tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra ngày này có mắc bệnh đến mức làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi hay không.

Nếu mắc bệnh động kinh, tài xế gây tai nạn liên hoàn sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Vụ tai nạn khiến nhiều xe bị hư hỏng (Ảnh: VOV)

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy tại thời điểm lái xe gây tai nạn, ông Hưng mắc bệnh tâm thần đến mức không kiểm soát được hành vi của mình thì người này sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Còn trường hợp kết quả giám định pháp y tâm thần cho thấy người này tuy có tiền sử bệnh tâm thần nhưng tại thời điểm thực hiện hành vi lái xe gây tai nạn, người này hoàn toàn nhận thức, điều khiển được hành vi của mình thì cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự.

Khuya ngày 28/7, tại đường Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) ông Hà Thanh Hưng lái ô tô Hyundai SantaFe BKS 30E-455.XX gây ra vụ tai nạn liên hoàn khiến 1 người tử vong, 5 người bị thương và nhiều phương tiện hư hỏng nặng.

Nạn nhân tử vong là chị M.T.T.T, (SN 1976), công tác trong quân đội. Một chiếc ô tô trong vụ tai nạn mang BKS: TM - 3355 do anh Hoàng Văn Hảo - Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp thuộc Văn phòng Bộ Quốc phòng điều khiển đang dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Ngô Thì Nhậm giao cắt với đường Quang Trung.

Do phương tiện và nạn nhân liên quan đến cơ quan quân đội nên Công an quận Hà Đông đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại