Người đẹp Tây Đô (1996)
Ra mắt năm 1996, bộ phim Người đẹp Tây Đô của đạo diễn Lê Cung Bắc được xây dựng dựa trên cuộc đời nữ chiến sĩ tình báo Lâm Thị Phấn (tức nhân vật Bạch Cúc trong phim).
Bạch Cúc qua sự thể hiện của Việt Trinh hiện lên là một cô gái thông minh, tài giỏi và xinh đẹp bậc nhất vùng đất Tây Đô lúc bấy giờ.
Tham gia hoạt động cách mạng với nhiều gian nan, nguy hiểm, song với phẩm chất kiên trung, anh dũng của người phụ nữ Việt Nam, cô đã vượt qua tất cả.
Với Việt Trinh, vai diễn Bạch Cúc có thể coi là đỉnh cao trong sự nghiệp điện ảnh, “thương hiệu” Người đẹp Tây Đô gắn liền với tên tuổi của riêng cô, khó ai có thể thay thế được.
Người Hà Nội (1996)
Với sự tham gia diễn xuất của những nghệ sĩ nổi tiếng : NSND Lê Khanh, cố nghệ sĩ Hồng Sơn, diễn viên Quyền Linh, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Mạnh Cường… bộ phim Người Hà Nội phim xoay quanh bi kịch của những người lính trở về sau chiến tranh.
Nhân vật chính là Nam (cố nghệ sĩ Hồng Sơn đóng) - một anh lính đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường nay trở về với cuộc đời thường bỗng thấy mình lạc lõng.
Ở chiến trường máu lửa ấy, Nam là một người hùng với khí thế kiên cường và lý tưởng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.
Khi tất cả qua đi, khi súng đạn không còn, hòa bình lại trở thành một bi kịch cho người lính này. Anh hiền lành, chất phác, không biết cách tính toán, bươn chải để kiếm tiền nuôi vợ con.
Chính vì thế người lính ấy cảm thấy cô độc, lạc lõng, không hòa nhập được với xã hội đặc biệt là Thảo - người vợ của mình (NSND Lê Khanh đóng).
Những người sống bên tôi (1996)
Lên sóng truyền hình năm 1996, Những người sống bên tôi lấy bối cảnh thời bao cấp chuyển sang đổi mới.
Trong cuộc bình chọn phim truyền hình năm 1995 - 1996 dành cho khán giả do VTV tổ chức, bộ phim đã nhận được ba giải: Phim truyền hình được yêu thích nhất, Diễn viên Nam - Nữ xuất sắc nhất.
Bộ phim truyền hình 10 tập của đạo diễn Đặng Tất Bình xoay quanh nhân vật Thi (Quốc Tuấn đóng).
Thi là cậu học trò nghèo phải bỏ học giữa chừng để theo nghề thợ mộc rồi đi bộ đội. Dù vậy, đam mê với sách vở đã thôi thúc anh tiếp tục đến trường sau khi rời quân ngũ.
Thi học giỏi, được giữ lại trường làm giảng viên, đi tu nghiệp rồi trở thành giáo sư.
Nhưng đến khi thành đạt rồi, cuộc sống gia đình lại xảy ra nhiều mâu thuẫn, xích mích bởi chuyện cơm áo gạo tiền, bởi sự thay đổi của những người sống bên cạnh anh.
Đất phương Nam (1997)
Phát sóng lần đầu tiên vào năm 1997, đến nay Đất phương Nam vẫn được trình chiếu lại trên các kênh truyền hình và nhận được rất nhiều sự yêu mến của khán giả.
Đây cũng là bộ phim truyền hình đầu tiên được 'xuất khẩu' sang Mỹ, góp phần giới thiệu điện ảnh và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Được chuyển thể từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, bộ phim của NSƯT Nguyễn Vinh Sơn kể về cuộc sống của những người dân quê bình dị trong thời kì thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Nam Bộ.
Nhân vật chính trong phim là cậu bé An. Hoàn cảnh loạn lạc khiến An mất mẹ và trôi dạt tha phương trên bước đường đi tìm cha.
Lưu lạc về phương Nam, An gặp những cảnh đời ngang trái, lầm than của người nông dân dưới ách áp bức của phong kiến và thực dân.
Tuy ba chìm bảy nổi giữa dòng đời, An vẫn luôn sống trong lòng nhân ái, đùm bọc của đồng bào. Đó là nguồn động lực đưa cậu vượt qua những khó khăn gian khó.
Bộ phim ghi dấu ấn với khán giả bởi một cốt truyện nhân văn, cảm động, cách thể hiện chân thực và diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên thuộc nhiều thế hệ của điện ảnh Việt.
Cảnh sát hình sự (1997)
Cảnh sát hình sự là series phim truyền hình về đề tài phòng chống tội phạm do Trung tâm sản xuất Phim truyền hình Việt Nam sản xuất từ năm 1997 và được duy trì cho đến nay.
Đã có nhiều phần phim mới ra đời, với những kịch bản và dàn diễn viên mới, nhưng khán giả vẫn ấn tượng nhất với “bộ tứ” diễn viên chính: NSƯT Võ Hoài Nam (vai Chiến), diễn viên Hoa Thúy (vai Hiền), NSƯT Hoàng Hải (vai Minh), diễn viên Nguyễn Văn Báu (vai Khắc Trường) trong loạt phim đầu tiên từ năm 1997 đến năm 2000.
Trong suốt 40 tập phim này, đạo diễn Khải Hưng giữ vai trò tổng đạo diễn.
Phần kịch bản do nhóm biên kịch: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thành Phong, Trung Trung Đỉnh, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Quang Lập chắp bút mang lại cho người xem những vụ án vô cùng hồi hộp, hấp dẫn.
Của để dành (1997)
Của để dành xoay quanh gia đình bà Vi và ba đứa con lớn của bà là Thanh, Tiến và Thư.
Bà Vi thường xuyên bệnh tật cần người chăm sóc nhưng cả ba đứa con của bà do quá bận rộn với công việc nên đã quyết định tìm người giúp việc cho mẹ.
Thất vọng vì ba đứa con, bà Vi đã quyết định bỏ đi. Chỉ khi ấy, Thanh, Tiến, Thư mới nhận ra bà Vi quan trọng thế nào. Họ đã lo lắng và sốt sắng đi tìm mẹ mình.
Sau khi cảm thấy đã cho những đứa con vô tâm một bài học đích đáng, cuối cùng bà cũng đã trở về.
Phát sóng cách đây 19 năm nhưng đến nay vấn đề mà bộ phim Của để dành đề cập đến chưa bao giờ cũ.
Đó là việc những đứa con tất bật với cuộc sống riêng, không có thời gian chăm sóc cha mẹ, họ giao phó “chữ hiếu” cho người giúp việc. Phim như một hồi chuông cảnh tình dành cho những người làm con.
Những nẻo đường phù sa (1997)
Năm 1997, bộ phim Những nẻo đường phù sa của bộ đôi đạo diễn Châu Huế - Ngọc Phong gây chú ý trên sóng truyền hình không chỉ bởi nội dung, bối cảnh Nam bộ mà còn bởi sức hút của dàn diễn viên là những ngôi sao của thập niên 90 như Diễm My, Diễm Hương, Hồng Ánh, Trịnh Kim Chi, NSUT Ngọc Hiệp, Quyền Linh, Huỳnh Anh Tuấn, Trung Dũng.
Những nẻo đường phù sa tái hiện lại đời sống của những người dân lầm than cơ cực nhưng luôn biết phấn đấu vươn lên, không chịu đầu hàng số phận, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.
Đây là một trong những thước phim lịch sử hào hùng nhất của điện ảnh Việt.
Giã từ dĩ vãng (1997)
Bộ phim Giã từ dĩ vãng của đạo diễn Đinh Đức Liêm với sự góp mặt của các diễn viên chính như Trương Ngọc Ánh, Thanh Nga, Nguyễn Huỳnh từng tạo nên cơn sốt trên màn ảnh nhỏ vào những năm 1997-1998.
Phim xoay quanh cuộc đời của bà Hạnh - người phụ nữ thương chồng, thương con, chấp nhận làm mọi việc để có tiền lo cho con cái.
Cuộc đời bà Hạnh đầy thăng trầm khi có lúc phải sống trong nghĩa địa. Quá cơ cực, bà dắt díu mẹ già và ba đứa con vào Sài Gòn lập nghiệp rồi tiếp tục hứng chịu những bi kịch nối tiếp.
Dù thế, bà và các nhân vật trong phim vẫn cố gắng để thoát ra khỏi hiện tại, “giã từ dĩ vãng” để có ngày mai tươi đẹp hơn.
Chuyện nhà Mộc (1998)
Đề cập đến những vấn đề quen thuộc, gần gũi của cuộc sống như chuyện luyện thi đại học, chuyện cưới hỏi, sự bỡ ngỡ của người dân nông thôn khi hòa nhập với nếp sống đô thị, bộ phim Chuyện nhà Mộc của đạo diễn Trần Lực đã mang lại cho khán giả nhiều tiếng cười hài hước, dí dỏm khi ra mắt năm 1998.
Góp phần tạo nên sự thành công cho Chuyện nhà Mộc chính là diễn xuất giản dị, đời thường của các diễn viên chính như: NSƯT Hải Điệp vai ông Mộc, Như Trang vai Mai, Xuân Bắc vai Cường, Chí Nghĩa vai Dũng.
Gió qua miền tối sáng (1998)
Gió qua miền tối sáng được thực hiện năm 1998 nhằm mục đích tuyên truyền về cách phòng chống HIV/AIDS.
Tuy thể loại phim tuyên truyền khá khô khan nhưng các tác giả đã đan cài vào đó nhiều câu chuyện, nhiều số phận rất chân thực, cảm động.
Vì thế, thông điệp của phim đi vào lòng người nhẹ nhàng, dễ chịu và có sức thuyết phục.
Đây là một trong những bộ phim truyền hình Việt đầu tiên áp dụng cách thu tiếng trực tiếp và viết kịch bản theo nhóm người.
Nhóm kịch bản của phim là những cây viết nổi tiếng: Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Phương, Mường Mán đã tạo nên một kịch bản hấp dẫn với những nhân vật được xây dựng có chiều sâu.
Đi tiên phong trong việc khai thác một đề tài nhạy cảm của xã hội, Gió qua miền tối sáng đã thành công khi tác động được tới nhận thức và cảm xúc của người xem.
Đồng tiền xương máu (1999)
Là bộ phim truyền hình tạo được tiếng vang lớn vào năm 1999, Đồng tiền xương máu có nội dung xoay quanh cuộc sống của gia đình ông Khải (NSND Lâm Tới đóng) và 3 người con: Toàn (Chi Bảo đóng), Lan Trinh (Huyền Anh đóng), Lan Anh (Trương Ngọc Ánh đóng).
Anh cả Toàn vì bản tính kiêu căng, tự phụ đã bỏ nhà máy và thành lập công ty riêng. Làm ăn thất bại, Toàn phụ bạc người mình yêu để kết hôn cùng người đàn bà thủ đoạn.
Thậm chí, anh phải bán ngôi nhà kỷ niệm của cha để lấy tiền đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, những câu chuyện tình yêu, sự bươn chải giữa dòng đời của hai cô em gái Lan Trinh và Lan Anh cũng được khắc họa rõ nét, qua đó phản ảnh phần nào xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới.