Cuộc sống ẩn chứa vô vàn điều thú vị. Rất nhiều điều kỳ lạ vẫn luôn diễn ra đâu đó mà có thể bạn không biết.
Bạn sẽ thấy kiến thức mình có được hạn hẹp như thế nào sau khi xem những sự thật sau đây.
1. Bạn không phải là fan nhạc rock duy nhất trong nhà, một kẻ cuồng rock khác là… CON MỐI
Theo nhóm nghiên cứu từ trường ĐH Würzburg (Đức) mối ăn gỗ nhanh gấp hai lần nếu được nghe nhạc rock. Hay nói chính xác hơn, nhạc rock có tần số và sự dao động âm thanh rất hợp “gu” của mối.
Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiếp nhận thông tin và ra quyết định, giúp bầy mối phối hợp với nhau nhịp nhàng hơn.
Trước đó, hiện tượng này còn bắt gặp trên loài kiến ăn lá và ong mật - chúng đập cánh tạo nên sự rung động nhằm thu hút những con khác tới hỗ trợ.
2. “Đám mây nhẹ nhàng trôi” à? Sai rồi!
Bạn tưởng các nhà khoa học cứ thích đùa khi họ ví đám mây như con voi trắng trên bầu trời? Không đâu, khẳng định này là cực kỳ... khoa học vì mây có cân nặng rất lớn. Một đám mây tích cỡ nhỏ đã nặng gấp hai lần voi. Còn một “bé mây” tiêu chuẩn thì chuyên chở trên mình đến 200 tấn nước đấy.
Những thông tin trên được đưa ra sau khi hai nhà khí tượng học Jim McQuaid và Felicity Aston lái tàu bay xuyên qua một đám mây tích.
Họ đo trọng lượng của giọt nước rơi ra từ đám mây, sau đó ước đoán tổng thể tích của đám mây rồi nhân hai con số với nhau. Kết quả như ta đã biết, mây chẳng “nhẹ nhàng” chút nào. Nếu không thì thử hỏi làm sao nó có thể chở cả Tôn Ngộ Không lẫn cả SonGoku được cơ chứ!
3. Con vật mà chúng ta vẫn thường ăn thịt chính là… “hậu duệ” của khủng long bạo chúa
“Bà con xa” của khủng long chính là cá sấu - điều này ta có thể tưởng tượng được. Thế nhưng bất ngờ nằm ở chỗ loài thân thích nhất của khủng long T-rex lại là con gà!
Các nhà khoa học đưa kết luận này sau khi so sánh protein trong hóa thạch khủng long (có niên đại 68 triệu năm) với mẫu của 21 loài vật hiện đại.
Chúng ta có thể rất bất ngờ trước sự thật này nhưng các nhà khoa học đã dự đoán được. “Những nghiên cứu trước đây về cấu trúc xương đã cung cấp bằng chứng phân tử đầu tiên về mối quan hệ giữa khủng long và họ hàng nhà chim”, tiến sĩ Chris Organ từ ĐH Havard cho biết. Giờ thì con người à, hãy tỏ ra một chút “trân trọng” với loài gà đi nào!
4. Xác chết vẫn có thể… mọc móng tay, mọc râu và “sởn gai ốc”?
Cơ thể người đúng là rất phức tạp ngay cả khi… đã chết. Theo khoa học thì khi tim ngừng đập, oxy không còn được bơm đi khắp cơ thể. Kết quả là nguồn năng lượng cạn kiệt, các tế bào không thể phân chia, không thể phát triển. Thế nhưng tại sao ta thấy râu và móng tay vẫn cứ dài ra?
Ảnh minh họa
Vì chúng ta đã bị thị giác “đánh lừa”! Khi bị mất nước, vùng da dưới móng tay và ở phía cằm co rút lại, gây nhầm tưởng là móng và râu mọc dài thêm.
Chính vì vậy mà ở một vài đám tang, người ta sẽ làm ẩm các đầu ngón tay của người chết để hạn chế tình trạng trên. Mặt khác, khi tế bào cơ của lông co lại, bạn sẽ thấy thi thể có vẻ như đang “sởn gai ốc”. Nhưng đó chỉ là do cấu tạo của cơ thể thôi chứ người đã mất thì không còn cảm giác gì nữa.
5. Rùa cũng ngủ đông và chúng thở bằng… mông
Một loài rùa ở Ontario, Canada thường trải qua mùa đông dưới cái ao nghiệt ngã. Mặt nước đóng băng khiến rùa không thể ngoi lên thở. Bên dưới, nhiệt độ xuống đến mức âm. Tuy vậy, nhờ là động vật biến nhiệt nên rùa vẫn có thể chịu được.
Ngoài ra, nhiệt độ càng lạnh thì rùa càng hạn chế trao đổi chất nhằm tiết kiệm năng lượng và oxy. Dĩ nhiên khả năng này cũng có hạn, nếu mùa đông quá dài thì rùa tội nghiệp sẽ không bao giờ trồi lên được nữa.
Một bí mật khác là rùa có thể hít thở dưới nước mà không cần dùng phổi. Thay vào đó, rùa sẽ lấy oxy trong ao nước bằng... mông - nơi tập trung rất nhiều mạch máu.
Từ những mạch máu này, rùa sẽ đưa oxy đi khắp cơ thể và nhờ vậy mà sống sót qua mùa đông lạnh giá.