Nếu chỉ xem phát triển bền vững là công cụ, doanh nghiệp dễ dính bẫy "tẩy xanh"

Minh Tâm |

Phát triển bền vững ngày hôm nay có thể là điều nice-to-do nhưng ngày mai sẽ trở thành must-to-do.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, kể từ năm 2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì (tùy theo quy mô), pin - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp bằng cách tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường. Những đơn vị vi phạm quy định trên có thể bị phạt tiền lên tới 2 tỷ đồng và phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Phát triển bền vững là một xu thế đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, doanh nghiệp phát triển bền vững hiện tại là điều nice-to-do nhưng tương lai rất gần sẽ trở thành must-to-do. Đây cũng là thông điệp chủ tịch GIBC Phạm Phú Ngọc Trai gửi gắm trong tập 4 talkshow ‘Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk".

Nếu chỉ xem phát triển bền vững là công cụ, doanh nghiệp dễ dính bẫy tẩy xanh - Ảnh 1.

Chủ tịch GIBC trò chuyện cùng bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Phó Chủ tịch HAWEE. Ảnh: Đi Cùng Thương Hiệu

Trên cương vị chủ tịch PRO Vietnam (NGO thúc đẩy việc thu gom và tái chế bao bì giữa các thương hiệu thành viên như TH Group, Coca-Cola Việt Nam, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam), ông Phạm Phú Ngọc Trai đưa ra nhiều bài học giá trị cho các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đi trên con đường phát triển bền vững.

Phát triển bền vững không nên là "công cụ"

Báo cáo Brundtland của Liên Hợp Quốc mô tả phát triển bền vững là phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hôm nay mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ tương lai. 

Nhiều người hiểu đơn giản phát triển bền vững là doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, tuy nhiên, một mô hình phát triển bền vững phải đảm bảo có đủ 3 trụ cột: Kinh tế, môi trường và xã hội.

"Yếu tố kinh tế là một trụ cột rất quan trọng" - Ông Phạm Phú Ngọc Trai khẳng định. Một doanh nghiệp làm ăn không có lãi, không có nền tảng kinh tế tốt thì không thể được coi là bền vững. Về mặt quản trị, các công ty cần có chi phí cạnh tranh, sản phẩm tốt, thương hiệu tốt, quản lý tốt chuỗi cung ứng... thì trụ cột kinh tế mới vững vàng. Từ đây việc phát triển bền vững mới không tách rời khỏi hiệu quả kinh tế của công ty.

Nếu chỉ xem phát triển bền vững là công cụ, doanh nghiệp dễ dính bẫy tẩy xanh - Ảnh 2.

Bà Xuân Liên đặt câu hỏi về lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: Đi Cùng Thương Hiệu

Ông Trai cho rằng hành vi tiêu dùng đã thay đổi 70-80% trong những năm gần đây, nhiều người tiêu dùng dựa vào thương hiệu của doanh nghiệp để chọn mua một sản phẩm. 

Việt Nam đang đi vào giai đoạn thể chế hóa việc bảo vệ môi trường thành luật, bắt đầu bằng việc khuyến khích doanh nghiệp. "Các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu đi trước trong việc này sẽ tạo nên sự khác biệt, nâng cao được lợi thế cạnh tranh" - ông Trai giải thích.

Chủ tịch GIBC nhấn mạnh phát triển bền vững không nên là một công cụ Marketing. Nếu coi phát triển bền vững là một công cụ, doanh nghiệp sẽ dễ dẫn tới ngộ nhận và dính bẫy "tẩy xanh" (greenwashing: một chiến thuật Marketing nhằm khoác lên cho thương hiệu một vỏ bọc thân thiện với môi trường). 

Nếu chỉ xem phát triển bền vững là công cụ, doanh nghiệp dễ dính bẫy tẩy xanh - Ảnh 3.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai khuyến cáo doanh nghiệp không nên coi phát triển bền vững không là một công cụ. Ảnh: Đi Cùng Thương Hiệu

Chẳng hạn như scandal "tẩy xanh" của Volkswagen khi hãng xe này cài phần mềm gian lận khí thải cho hơn 11 triệu xe trên toàn thế giới, dẫn tới án phạt 84 triệu USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của thương hiệu.

Chủ tịch Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng phát triển bền vững phải là một chiến lược bài bản có cam kết dài hạn. "Muốn bền vững thì các yếu tố tạo ra sự bền vững phải được quản trị tốt. Từ hiệu quả về kinh tế, chi phí đến quy trình không tác động đến môi trường để mình không phải trả phí môi trường trong tương lai."

6 bước xây dựng thương hiệu bền vững

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu dành cho cả các cả doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn. Chủ tịch GIBC Phạm Phú Ngọc Trai đã đưa ra quy trình xây dựng chiến lược lâu dài bao gồm 6 bước để doanh nghiệp tham khảo.

Bước 1: Xác định tầm nhìn

Doanh nghiệp cần xác định lại tầm nhìn theo sứ mệnh và giá trị cốt lõi. Tầm nhìn sẽ giúp định hình hành động của doanh nghiệp.

Bước 2: Hiểu rõ năng lực

Chủ tịch GIBC khuyên doanh nghiệp "đừng chết vì thiếu hiểu biết". Doanh nghiệp phải đi từ phân tích nội vi (năng lực doanh nghiệp) và ngoại vi (môi trường, chuỗi giá trị) để biết mình đang ở đâu trên thị trường sau đó mới là hiểu rõ xu thế.

Nếu chỉ xem phát triển bền vững là công cụ, doanh nghiệp dễ dính bẫy tẩy xanh - Ảnh 4.

Ông Trai đưa ra quy trình 6 bước xây dựng thương hiệu bền vững. Ảnh: Đi Cùng Thương Hiệu

Bước 3: Đưa ra mục tiêu

Mục tiêu cần có tính khả thi với tham vọng của doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo không rơi vào bẫy rủi ro.

Bước 4: Chiến lược khả thi

Khi nắm trong tay mục tiêu, doanh nghiệp sẽ có rất nhiều việc phải làm. Doanh nghiệp phải lựa chọn những chiến lược thiết thực, ưu tiên lợi thế có sẵn của doanh nghiệp như CSR hay công nghệ thân thiện môi trường.

Bước 5: Chương trình hành động

Sai lầm của nhiều doanh nghiệp là "nhảy" ngay vào bước số 5 khi bắt đầu chiến lược phát triển bền vững. Chương trình hành động với tầm nhìn, mục tiêu và chiến lược rõ ràng sẽ tránh được "bẫy xanh".

Bước 6: Kiểm tra - Báo cáo - Điều chỉnh

Doanh nghiệp cần kiểm tra, báo cáo một cách minh bạch. Sau đó từ hiện trạng để xem lại tầm nhìn qua thời gian 1-3 năm.

"Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk" là chuỗi talkshow đặc biệt, lên sóng trên các nền tảng số của báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn). Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ cùng Viện ISB (Đại học Kinh tế TP.HCM) xây dựng, với sứ mệnh truyền cảm hứng về xây dựng, phát triển thương hiệu bền vững.

Talkshow cũng là dịp mà lần đầu tiên các CEO, chuyên gia hàng đầu thảo luận và đưa ra những lời giải, hiến kế cho cộng đồng doanh nghiệp về kinh nghiệm nâng tầm thương hiệu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại