Nếu chỉ chực chờ, canh me người ta không cấm rồi thoải mái hát nhép thì không đáng là ca sĩ!

Cao Thanh Hương |

Theo Bạch Công Khanh, nhiều ca sĩ trẻ đang có tâm lý háo hức được hát nhép vì quy định mới không cấm nữa. Ca sĩ Đoan Trường lại cảnh báo điều khủng khiếp với những ca sĩ có tâm lý này.

Nghị định 144 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-2-2021 với rất nhiều điểm mới so với nghị định 79 cũ.

Nếu như trước đây, điểm d khoản 2 điều 6 Nghị định 79 quy định, một trong các hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật là sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn thì nay, Nghị định 144 không còn cấm những điều nêu trên nữa.

Xung quanh những quy định mới này, từ nhiều ngày nay thu hút cả sự quan tâm của người trong nghề cũng như khán giả. Về chủ đề này, chúng tôi đã ghi nhận quan điểm của ca sĩ trẻ Bạch Công Khanh và ca sĩ Đoan Trường, một người có thâm niên trong nghề cầm micro.

Nếu chỉ chực chờ, canh me người ta không cấm rồi thoải mái hát nhép thì không đáng là ca sĩ! - Ảnh 1.

Bạch Công Khanh là một trong những ca sĩ trẻ đắt show ở phía Nam hiện nay ở cả 3 vai trò: ca sĩ, diễn viên và MC.

Bạch Công Khanh: "Nếu chỉ chực chờ, canh me người ta không cấm rồi thoải mái hát nhép thì không đáng là một ca sĩ!

Bạch Công Khanh nói: "Khi thông tin này rộ lên, nhiều người đã truyền miệng nhau là, từ ngày 1-2-2021 trở đi sẽ được hát nhép. Khanh có cảm giác là, từ trước tới nay, giống như mọi người đang bị kìm hãm, giờ chỉ cần được lệnh là mở bản thu âm sẵn ra khi đi hát. Cho nên Khanh nghĩ, hơn thua là ở ý thức của mỗi người.

Nếu mọi người đọc kỹ quy định thì sẽ thấy, Nhà nước không cho phép hát nhép mà chỉ nói không cấm sử dụng bản thu âm sẵn thôi. Với các chương trình quay hình, để đảm bảo chất lượng, mình phải chấp nhận chuyện đó nhưng không thể dựa vô nghị định đó để cho mình cái quyền hát nhép được.

Họ bị háo hức, dù cũng có người nghĩ thế này, nghĩ thế khác. Đa số có tâm lý được hát nhép rồi thì cứ tha hồ đi, thoải mái đi.

Mỗi người có suy nghĩ khác nhau, cá nhân Khanh đón nhận chuyện này khá bình thường. Thứ nhất là vì từ trước tới nay, Khanh không hát nhép. Với những chương trình ghi hình để phát sóng hay ra đĩa DVD thì việc sử dụng bản thu âm có sẵn là đương nhiên và ca sĩ nào cũng phải vậy.

Tuy nhiên, khi ra các show diễn mang tính thương mại, bán vé cho khán giả vào xem thì đạo đức làm nghề của một ca sĩ không cho phép mình làm vậy mà phải hát thật. Nhiều cô chú, anh chị lớn không đồng tình với quy định mới này cũng đúng. Nếu làm nghề chỉ chực chờ, canh me người ta không cấm rồi thoải mái hát nhép thì không đáng là một ca sĩ.

Khanh cũng tin rằng, các cô chú ở trên họ thoải mái hơn đối với việc ca sĩ sử dụng bản thu âm có sẵn nhưng không có nghĩa là mở đường cho hát nhép. Trong nghề này, ai hét nhép, ai hát live nghe là biết liền vì âm thanh rõ lắm. Nhưng đại đa số khán giả không nhận ra.

Nếu chỉ chực chờ, canh me người ta không cấm rồi thoải mái hát nhép thì không đáng là ca sĩ! - Ảnh 3.

Bạch Công Khanh khẳng định, nếu chỉ chực chờ người ta không cấm để hát nhép thì không đáng gọi là ca sĩ

Thậm chí, nhạc công cầm đàn đánh trên sân khấu lớn, đàn không gắn dây mà khán giả vẫn tin là nhạc công đánh thật. Cho nên Khanh nghĩ, với quy định mới này, khán giả dễ lẫn lộn nhiều hơn và đó sẽ là thiệt thòi cho các ca sĩ đó giờ hay hát live.

Nghệ thuật bây giờ cũng như kinh doanh, cái gì không cấm là làm, không còn sự phiêu linh trong âm nhạc nữa. Tuy nhiên, nếu vì không ai kiểm tra mà thoải mái hát nhép thì cảm xúc biểu diễn 10 lần đều như 1, trong khi khán giả cần mỗi buổi diễn có sự khác nhau về cảm xúc".

Đoan Trường: "Thời chúng tôi, ca sĩ phải thi mới có giấy phép hành nghề"

"Riêng tôi, cả cuộc đời đi hát, chưa bao giờ hát nhép. Chúng tôi phải tập với ban nhạc. Hát ở nơi nào thì tập với ban nhạc đó.

Thời chúng tôi, ca sĩ chúng tôi đều phải trải qua các cuộc thi mới lấy được giấy phép hành nghề. Giấy phép hành nghề đó cũng chỉ có giá trị trong vòng 2 năm sau đó phải thi lại. 

Và giám khảo đều là những nhạc sĩ uy tín cùng ngồi với Sở Văn hóa Thông tin. Ca sĩ phải biết xướng âm, nốt nhạc rành rẽ mới được cấp phép.

Dù âm thanh tệ cách mấy, không khí ồn ào cỡ nào hay bản thân đang viêm họng thì tôi vẫn hát live. Bởi hát live mới có tình cảm trong đó và mỗi lần hát, cảm xúc mới khác nhau. Tôi hát live quen rồi, vừa hát vừa đi xuống khán giả như một cách trò chuyện.

Thời bây giờ, người người, nhà nhà đều có thể làm ca sĩ. Người ta chỉ cần tới phòng thu, thu âm rồi đưa lên mạng đã nhận mình là ca sĩ. Thì thôi đó là chuyện của các bạn trẻ bây giờ.

Nếu chỉ chực chờ, canh me người ta không cấm rồi thoải mái hát nhép thì không đáng là ca sĩ! - Ảnh 5.

Ca sĩ Đoan Trường cung cấp cho phóng viên giấy phép hành nghề mà anh được cấp vào năm 2000. Thời đó, các ca sĩ muốn hành nghề đều phải trải qua các cuộc thi và phải có giấy phép như thế này.

Tuy nhiên, nếu các bạn cứ hát nhép hoài mà không tôi luyện, không lấy kinh nghiệm sân khấu mà cứ dựa dẫm vào giọng hát đã được thu âm sẵn thì tới một ngày các bạn cũng sẽ bị đào thải. Sẽ có ngày bị giật micro, hỏng âm thanh, hư loa, mất đường truyền thì lòi ra thôi. Khi đó thì danh tiếng, sự nghiệp mất hết.

Với quy định mới này, tôi nghĩ nó sẽ đẩy nhanh và mạnh hơn luật đào thải trong nghề. Các thế hệ nghệ sĩ từ xưa đến giờ đều hát live. Đó là một quá trình tôi luyện bền bỉ mới giữ được danh tiếng là một nghệ sĩ, ca sĩ chứ không phải ai cũng có thể là ca sĩ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại