Nếu các mẹ chỉ mong muốn điều này ở con mình, có lẽ sẽ còn nhiều vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em nữa

Hoàng Anh Tú |

Bạn đã bao giờ thấy các bà và cả các mẹ cứ so sánh chiều cao cân nặng của những đứa trẻ hàng xóm sinh cùng thời điểm chưa? Bạn có nghĩ ông bà bố mẹ mình có một cuộc đua ngầm với nhà hàng xóm về điều đó không?

Vụ bảo mẫu đánh đập bắt ép trẻ ăn ở Đà Nẵng là vụ bạo hành trẻ thứ bao nhiêu tôi không còn nhớ nổi nữa. Và tôi cũng thực lòng mong đừng báo nào thống kê lại những đau lòng này.

Bởi chỉ cần nói đến việc cho trẻ đi nhà trẻ là ngay lập tức ai cũng sẽ nhớ đến quặn lòng những clip hành hạ trẻ đã từng xem.

Chúng ta xử lý bao nhiêu vụ rồi, đóng cửa bao nhiêu trường rồi, xử phạt, thậm chí xử tù bao nhiêu bảo mẫu rồi? Vẫn chỉ như muối bỏ bể. Vẫn dăm bữa nửa tháng lại thấy một cái clip được tung lên. Tựa hồ chẳng ai có thể ngăn cản nổi.

Dường như phẫn nộ của người dân đến đâu thì cũng vẫn phải đưa con đến nhà trẻ, bảo mẫu nào bị phát hiện đánh trẻ thì chỉ là do… đen thôi!

Hôm qua, lúc đọc status của nhà báo Trương Anh Ngọc, tôi giật mình nhận ra rằng quả thực một trong những lý do khiến các bảo mẫu phải ép trẻ ăn bằng vũ lực cũng là bởi chính các mẹ luôn đo sự chăm sóc tốt hay không tốt ở các nhà trẻ bằng vòng bụng con mình, chứ không phải bằng những gì trẻ học được ở trường lớp.

Nếu các mẹ chỉ mong muốn điều này ở con mình, có lẽ sẽ còn nhiều vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em nữa - Ảnh 1.

Nhà báo Trương Anh Ngọc viết rằng:

"Lại rộ lên trên Facebook những hình ảnh kinh khủng về việc bảo mẫu bạo hành với một đứa trẻ, không hẳn là đánh nó, mà là ép nó ăn.

Chuyện này xảy ra ở Đà Nẵng, nhưng mình tin, nó đã và đang xảy ra ở nhiều nơi khác nữa, trong các nhà trẻ và không chỉ thế, trong chính các gia đình.

Các bậc bố mẹ sẽ rất nhanh chóng lên tiếng thể hiện sự phẫn nộ với những bảo mẫu, nhưng chính một phần áp lực từ việc con mình phải ăn, phải trông béo tốt, thậm chí béo hơn đứa hàng xóm hoặc cùng lớp, cùng họ hàng có thể đã đẩy các bảo mẫu đến mức ấy, khi họ làm mọi cách để những đứa trẻ phải ăn.

Chỉ vì bố mẹ nó sẽ thắc mắc, tại sao con tôi đến trường mà vẫn còm thế, tiền ăn tôi đóng đủ mà...

… Bạn đã bao giờ thấy các bà và cả các mẹ cứ so sánh chiều cao cân nặng của những đứa trẻ hàng xóm sinh cùng thời điểm chưa? Bạn có nghĩ ông bà bố mẹ mình có một cuộc đua ngầm với nhà hàng xóm về điều đó không, rằng cháu mình còi, còn cháu nhà nó bụ, tức là chỉ cần lấy số lượng để đem đua mà không hiểu được mỗi đứa khác nhau như thế nào không?"

Nếu các mẹ chỉ mong muốn điều này ở con mình, có lẽ sẽ còn nhiều vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em nữa - Ảnh 3.

Tôi hoàn toàn đồng tình với nhà báo Trương Anh Ngọc, bởi tôi cũng đã thấy trong những nhà hàng cảnh mẹ ruột quát mắng con, nhồi nhét con ăn kinh dị thế nào.

Rằng chẳng đâu xa, các ô-sin ở khu tập thể nhà tôi còn dùng cả thang máy của khu mà dụ trẻ ăn, sảnh lễ tân của khu thành nhà ăn của lũ trẻ do ô-sin trông. Và tất nhiên, không thể không có những vị ô-sin nhe nanh múa vuốt.

Có bận không giữ được bình tĩnh tôi có quát một vị ô-sin, vị ấy đáp ngay: Nó không ăn là tôi bị đuổi việc.

Tôi không bênh các bảo mẫu đang bóp mồm con quý vị bắt ăn, tôi chỉ thấy rằng nếu như thước đo của quý vị là cân nặng của con quý vị thì không chừng sẽ có loại bảo mẫu táng tận lương tâm mà cho thuốc bổ, thuốc tăng trọng các kiểu vào đồ ăn dành cho con quý vị.

Mà chẳng cần đến thế, trên tivi mỗi ngày có hàng chục clip quảng cáo thuốc này thuốc nọ giúp trẻ tăng cân đấy. Liệu quý vị đến bao giờ mới thôi tìm cách để tăng trọng cho con mình như nuôi lợn kiểu ấy không?

Nếu các mẹ chỉ mong muốn điều này ở con mình, có lẽ sẽ còn nhiều vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em nữa - Ảnh 4.

Một lý do nữa về việc các bảo mẫu, người trông trẻ hành xử với con cái của quý vị một cách tàn ác, đó là bởi quý vị khi đón con về thay vì hỏi chuyện con, để tâm đến sự thay đổi của con thì quý vị lại mải mê với điều gì? Đừng đổ lỗi cho cơm áo gạo tiền khiến quý vị không còn tâm trí nhìn ngó đến con mình.

Bởi dành cho con 5-10 phút không khiến quý vị giảm bớt thu nhập hay gì đó đi nữa. Chỉ là dường như với nhiều vị cha mẹ, con cái sinh ra là một gánh nặng.

Rồi đổ lỗi cho cái nghèo khiến mình không thể lo cho con tốt hơn, phải cho con học cái trường không ra gì.

Bởi tôi vẫn nghĩ nếu cha mẹ nào cũng để ra 5-10 phút khi đón con, lắng nghe con, để tâm đến những thay đổi ở con thì không bảo mẫu nào dám manh động.

Là cái nghèo, đồng ý, khiến nhiều trẻ bị bạo hành khi chúng ta thấy hầu hết những vụ bạo hành, trẻ bị bạo hành thường nằm trong các cơ sở trông giữ trẻ tuềnh toàng, rẻ tiền - nơi mà số tiền bỏ ra cho việc trông giữ trẻ rất thấp, khiến vườn trẻ chỉ đủ kinh phí thuê những bảo mẫu trình độ hạn chế.

Thậm chí trong nhiều trường hợp, người bạo hành lại là chính chủ cơ sở như tại Đà Nẵng vừa qua.

Nếu các mẹ chỉ mong muốn điều này ở con mình, có lẽ sẽ còn nhiều vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em nữa - Ảnh 5.

Nhưng kể cả khi nó chỉ là quan hệ mua - bán, tiền ít thì dịch vụ tệ cũng không thể là bạo hành như vậy. Là nếu như phát hiện ra con mình bị bạo hành, thay vì chuyển con sang trường khác, cơ sở khác, sao không lên tiếng tố cáo? Nhiều cha mẹ đã chọn cách im lặng mặc kệ…

Con người khác bị bạo hành thì mong gì các cha mẹ khác sẽ vì con bạn mà tố cáo kẻ bạo hành?

Thêm một câu chuyện nhức nhối nữa về bảo mẫu bạo hành trẻ, thay vì chúng ta thể hiện sự phẫn nộ nửa vời (rồi mấy hôm nữa sẽ lại quên thôi), sao không cùng xây dựng một vòng tròn an toàn quanh con mình và chính con cái của bạn bè mình?

Bằng việc chia sẻ với nhau nhiều hơn nữa những kiến thức nhận biết phòng chống và tránh cho con bị bạo hành? Lên tiếng với việc bạo hành trẻ.

Tác động mạnh mẽ đến chính quyền trong việc quản lý các cơ sở trông giữ trẻ tự phát trong địa phương. Và hơn cả, xin đừng đo con bằng cm, bằng kg nữa! Đừng phán xét chuyện gầy béo với những đứa trẻ bạn gặp.

Và hãy ngừng cho phát những quảng cáo tăng trọng cho trẻ đi!

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại