Hiếm có họa phẩm nào trên thế giới được cả giới khoa học, tâm lý học, mỹ thuật và người hâm mộ quan tâm, nghiên cứu và giải mã như tuyệt phẩm "Mona Lisa" của thiên tài toàn năng người Ý Leonardo da Vinci (1452 - 1519).
Hơn 500 năm kể từ khi được Da Vinci hoàn thành, những bí ẩn trong nụ cười của "nàng" cùng đôi mắt tựa như biết nói ấy vẫn khiến hậu thế day dứt không nguôi. "Nàng" trong bức tranh ấy đang vui hay buồn? Hay gương mặt nàng hội tụ đủ cả những cảm xúc "hỉ, nộ, ái, ố"?... tất cả đều được giới khoa học quan tâm, tìm hiểu, với vô số cách lý giải.
Riêng với giới y học, họ không chỉ quan tâm đến cảm xúc của "nàng", mà còn chú ý đến sức khỏe của người phụ nữ làm mẫu. Và một người trong số đó cho rằng đã tìm ra "căn bệnh" của người làm mẫu!
Theo đó, Mandeep R. Mehra, Giám đốc y khoa của Trung tâm Tim mạch & Mạch máu - Bệnh viện "The Brigham" (Mỹ) cho hay, người phụ nữ làm mẫu trong "Mona Lisa" có thể đang mắc chứng suy tuyến giáp!
Vì sao?
Hậu thế biết rất ít về thân thế và cuộc đời của Lisa Gherardini, nữ quý tộc người Ý, người được cho là làm mẫu cho bức chân dung "Mona Lisa" của Da Vinci.
Tuy nhiên, khi làm mẫu, Lisa Gherardini có thể mắc chứng suy giáp. Bởi, bàn tay của bà có dấu hiệu sưng phù, tóc mỏng và thưa, da vàng và cổ sưng lên tựa có bướu.
Mandeep R. Mehra nhận định, suy tuyến giáp có thể giải thích tất cả những đặc điểm bên ngoài dễ nhìn thấy này của "Mona Lisa".
Bức chân dung nàng "Mona Lisa" của Leonardo da Vinci.
Dưới góc độ khoa học, suy giáp, hiểu đơn giản là tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone quan trọng, có thể gây rụng tóc, vàng da và bướu ở cổ.
"Những bí ẩn của bức họa "Mona Lisa" được giải thích đơn giản không ngờ bằng một chẩn đoán y học đơn giản liên quan đến tuyến giáp. Dưới góc độ mỹ thuật, điều đó lại tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng cùng bí ẩn khiến hậu thế day dứt hàng trăm năm.", chuyên gia thuộc Đại học California, Santa Barbara (Mỹ) phát biểu trên Tạp chí Mayo Clinic Proceedings.
Vậy, dự đoán nguyên nhân nào khiến Lisa Gherardini mắc chứng suy tuyến giáp? Nhà nghiên cứu đưa ra 2 lý do: Một là trong thời gian làm mẫu tranh, bà Lisa Gherardini đã mang thai. Những ghi chép về sau có nói đến việc bà hạ sinh con sau khi bức tranh hoàn thành.
Hai là, rất có thể Lisa Gherardini bị thiếu i-ốt trong chế độ ăn uống hàng ngày. "Có thể, ban đầu bà Lisa mắc hội chứng cường giáp, sau đó, kết hợp với điều kiện sống ở cùng vùng Florentine cùng chế độ ăn uống chưa đầy đủ i-ốt nên bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính", nhà nghiên cứu cho hay.
Trước đó, các chuyên gia ung thư và nội tiết, sau khi kiểm tra kỹ bức tranh, đã giả thiết rằng, người phụ nữ làm mẫu tranh cho Da Vinci vẽ hơn 500 năm trước có bàn tay bị sưng phù là do rối loạn lipid máu và mắc bệnh tim.
Như vậy, dưới góc độ y học, các nhà nghiên cứu có những phát hiện về "Mona Lisa". Tất nhiên, điều này không thể phủ định tài năng tuyệt vời của Da Vinci trong việc tạo nên một kiệt tác trăm năm, với nét đẹp trầm lắng, mỏng manh của người phụ nữ vùng Florentine, khiến người hâm mộ khắp thế giới luôn nhớ về.
Bài viết sử dụng nguồn: DM