Nestlé tại Việt Nam công bố cam kết Trung Hòa Nhựa: Vì một Việt Nam xanh và khỏe mạnh!
Tiêu điểm sự kiện
- Đại diện Tổng cục Môi trường và Nestlé Việt Nam trả lời báo chí15:02
- Video: Nestlé chung tay hành động hợp tác hành động vì môi trường14:55
- Tổng Giám đốc Công ty Nestlé tại Việt Nam công bố Cam kết Trung Hòa Nhựa tại Việt Nam14:39
- Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam: 100% bao bì của chúng tôi hoàn toàn có thể tái chế hoặc tái sử dụng vào năm 202514:34
- Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Việt Nam phát biểu14:28
- Nhiều báo đài quan tâm đưa tin lễ ký kết thỏa thuận và công bố cam kết Trung Hòa Nhựa14:02
- Thế giới: Nhựa thải ra 1 năm bằng tổng trọng lượng dân số toàn cầu!13:41
15:02 ngày 08/12/2021
Đại diện Tổng cục Môi trường và Nestlé Việt Nam trả lời báo chí
Các đại biểu tham gia phần trao đổi, bao gồm:
- Ông Hồ Kiên Trung - Chánh văn phòng Tổng cục Môi trường
- Ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc công ty Nestlé Việt Nam
- Ông Fausto Tazzi, Tổng Giám đốc công ty TNHH La Vie, Phó Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam
Câu 1: Tổng cục Môi trường có thể chia sẻ thêm về các định hướng chính sách về bảo vệ môi trường trong thời gian tới nói chung và vấn đề về rác thải nhựa, quản lý bao bì bền vững tại Việt Nam nói riêng?
Đáp: Ông Hồ Kiên Trung - Chánh văn phòng Tổng cục Môi trường trả lời:
Luật Bảo vệ MT 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua với số phiếu rất cao (91,91%). Kết quả này để nói đến sự quan tâm của các cử tri quan tâm đến việc bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ Môi trường 2020 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Như vậy, chỉ còn hơn 20 ngày nữa, Luật này sẽ chính thức có hiệu lực ở Việt Nam.
Ông Hồ Kiên Trung - Chánh văn phòng Tổng cục Môi trường trả lời câu hỏi. Ảnh: Việt Hùng
Điểm mới: Đây là đạo luật được thiết kế để hướng đến cái khung cho đạo luật tổng thể về bảo vệ môi trường, đảm bảo toàn diện, hài hòa và gắn với hệ thống pháp luật trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Có 18 điểm mới của Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Tuy nhiên, tóm lại có 4 định hướng chính sau đây:
1. Thay đổi mạnh mẽ cách quản lý bảo vệ môi trường. Quản lý, phân loại các dự án dựa trên các công nghệ, tiêu chí về mức độ đầu tư, mức độ ô nhiễm khác nhau. Ngoài ra, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 cũng có những thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là trong thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho các dự án có công nghệ xanh để phát triển.
2. Lấy vai trò của cộng đồng, người dân và doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường lên hàng đầu.
3. Phân loại rác thải tại nguồn, định hướng cách thức quản lý, xử lý chất thải, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; đặc biệt biến chất thải sau khi xử lý thành nguồn tài nguyên, đưa vào trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế tuần hoàn bền vững, thúc đẩy nền kinh tế xanh, phục hồi môi trường tự nhiên, bảo vệ di sản thiên nhiên.
Trong những năm qua, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu cho Chính phủ để ban hành rất nhiều các cơ chế, chính sách, hoạt động để giảm thiểu rác thải nhựa, rác thải vào đại dương.
Cụ thể, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Ngày 20/8/2020, Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị 33 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.
Trong Đề án này nêu rõ, thứ nhất, đến năm 2025, mục tiêu sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường tại các khu trung tâm thương mại, siêu thị... phục vụ cho mục đích sinh hoạt, thay thế cho việc sử dụng túi nilon khó phân hủy.
Thứ hai, đảm bảo thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý 85% lượng rác thải nhựa phát sinh và giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương. Phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du dịch, các khách sạn không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi nilon khó phân hủy, đồng thời mức sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phầm nhựa dùng 1 lần trong sinh hoạt.
Câu 2: Thưa ông Binu Jacob, ông có thể chia sẻ về ý nghĩa và mong đợi của Nestlé Việt Nam đối với thỏa thuận này?
Đáp: Ông Binu Jacob cho biết, tầm nhìn toàn cầu của Nestlé là không bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải.
Tham vọng Nestlé là 100% bao bì sẽ có thể tái chế hoặc tái sử dụng vào năm 2025. Để làm được như vậy thì Nestlé rất cần sự giúp đỡ và chung tay hợp tác của các doanh nghiệp cũng như chính phủ Việt Nam.
Ngoài ra, Nestlé Việt Nam cũng sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực then chốt, đó là:
(1) Phát triển bao bì cho tương lai;
(2) Xây dựng và định hình một tương lai không rác thải thông qua thúc đẩy hoạt động thu gom và tái chế;
(3) Nâng cao nhận thức & Thay đổi hành vi về cách sử dụng bao bì đóng gói.
Hỏi: Xin ông Binu Jacob cho biết thêm Công ty Nestlé sẽ làm gì để có thể đạt được mục tiêu Trung hòa nhựa vào năm 2025?
Đáp: Chúng tôi đã và đang thực hiện nhiều hành động để có thể đạt được mục tiêu này.
Đầu tiên là chúng tôi muốn trở thành đơn vị đầu tiên loại bỏ hoàn toàn ống hút nhựa ra khỏi các thức uống sẵn. Thực tế là chúng tôi cũng đã thực hiện được điều này từ ngay Q2/2021. Nhờ vậy mà chúng tôi đã có thể giảm sử dụng tới 700 tấn nhựa mỗi năm.
Tiếp theo, Lavie sẽ là đơn vị đầu tiên của Việt Nam sử dụng chất liệu nhựa PET tái chế (rPET) và cũng sẽ là đơn vị đầu tiên sử dụng chai thủy tinh. Điều này cũng sẽ đóng góp lớn trong việc tiết giảm sử dụng nhựa.
Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích các nhà cung cấp địa phương sử dụng nhựa PET tái chế. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đang nỗ lực để có thể thu gom được bao bì từ ngay tại các trường học hay các cửa hàng bán lẻ, sau đó tái chế. Chúng tôi cũng đang tìm các nhà sản xuất đồ gia dụng để tìm hướng tái chế nhựa.
Câu 3: Thưa ông Fausto Tazzi, Tổng Giám đốc công ty TNHH La Vie, Phó Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), ông có thể cho biết ý nghĩa của việc sử dụng nhựa PET tái chế (rPET) đối với Lavie nói riêng, và đánh giá vai trò của việc sử dụng chất liệu này trong nền kinh tế tuần hoàn?
Ông Fausto Tazzi, Tổng Giám đốc công ty TNHH La Vie, Phó Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam). Ảnh: VIR
Đáp: Theo tôi, bởi Lavie khai thác nước khoáng, tức là loại tài nguyên còn nguyên sơ, do đó bảo vệ môi trường là một công việc hết sức quan trọng. Một trong những cách thức để có thể bảo vệ môi trường đó là hạn chế sử dụng nhựa.
Bằng cách sử dụng nhựa PET tái chế, chúng tôi đã thúc đẩy tạo “cầu” cho thị trường nhựa tái chế này. Chúng tôi không chỉ thu mua nhựa PET tái chế, chúng tôi còn hỗ trợ các nhà cung cấp và các đối tác tăng khả năng tái chế và cung cấp nhựa PET tái chế.
Đó là một trong những đường hướng mà chúng tôi đang thực hiện để cho thấy rằng chúng tôi thực sự nhìn nhận bao bì đã qua sử dụng, trên thực tế, có giá trị và trở lại thành một nguồn tài nguyên để tái sản xuất bao bì, tạo thành một nền kinh tế tuần hoàn cho bao bì nhựa nói riêng.
14:55 ngày 08/12/2021
Video: Nestlé chung tay hành động hợp tác hành động vì môi trường
Nestlé chung tay hành động vì môi trường. Nguồn: Nestlé
Đứng trước thách thức của rác thải nhựa và biến đổi khí hậu, Nestlé đã có những cam kết, hành động mạnh mẽ nhằm chung tay bảo vệ hành tinh xanh và bảo vệ nguồn tài nguyên cho tương lai. Nestlé đã xây dựng lộ trình cắt giảm phát thải CO2 theo từng giai đoạn, tiến tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) CO2 vào 2050 trong toàn bộ hoạt động và chuỗi cung ứng của công ty.
Đến năm 2025, 100% bao bì của Nestle có thể tái chế hoặc tái sử dụng. Ngoài ra, Nestlé đã đặt mục tiêu giảm 1/3 việc sử dụng nhựa nguyên chất vào năm 2025.
Để theo đuổi cam kết này, Nestlé đang thực hiện một cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề phức tạp và cấp bách của chất thải nhựa, thúc đẩy các sáng kiến trên ba lĩnh vực trọng tâm: Nestlé đã triển khai nhiều sáng kiến về bao bì bền vững, bao gồm 3 lĩnh vực trọng tâm:
- Phát triển bao bì của tương lai thông qua việc: giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng - Phát triển bao bì tiên phong.
- Xây dựng tương lai không rác thải thông qua việc tăng cường thu gom và tái chế.
- Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thông qua việc tuyên truyền, giáo dục quản lý chất thải nhựa, chất thải rắn.
Để đạt được mục tiêu Trung Hòa Nhựa đến năm 2025, các thành viên của tập đoàn Nestlé tại Việt Nam, bao gồm công ty La Vie Việt Nam, đang và sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác và tổ chức tập trung thực hiện các sáng kiến và dự án sau:
- Giảm nhựa nguyên sinh thông qua đổi mới và cải tiến bao bì.
- Thực hiện mô hình tuần hoàn đối với chai nước Lavie 19 lít.
- Tạo cơ chế khuyến khích nhà sản xuất trong nước thu gom và tái chế nhựa rPET đủ tiêu chuẩn dùng cho ngành thực phẩm.
- Hợp tác với đối tác thu gom vỏ hộp sữa đã sử dụng để tái chế.
- Tăng cường thu gom bao bì nhựa và vỏ hôp đã sử dụng để tái chế thông qua Tổ chức Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
- Hỗ trợ máy phân loại rác thải nhựa cho đối tác để cải thiện việc thu gom và phân loại nhựa có giá trị thấp, khó tái chế và chất thải nhựa không thể tái chế.
- Thúc đẩy việc xây dựng, hoàn thiện và tham gia vào cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
14:39 ngày 08/12/2021
Tổng Giám đốc Công ty Nestlé tại Việt Nam công bố Cam kết Trung Hòa Nhựa tại Việt Nam
Cam kết Trung Hòa Nhựa đến năm 2025 của Nestlé tại Việt Nam nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai không có rác thải, thúc đẩy và hiện thực hóa cam kết của Tập đoàn Nestlé đó là đến năm 2025, 100% bao bì của Nestlé sẽ có thể tái chế hoặc tái sử dụng.
Cam kết này song hành với tầm nhìn "Không bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải".
Ông Binu Jacob công bố Cam kết Trung Hòa Nhựa năm 2025. Ảnh: Việt Hùng
Theo ông Binu Jacob, đứng trước thách thức của rác thải nhựa và biến đổi khí hậu, Nestlé đã có những cam kết, hành động mạnh mẽ nhằm chung tay bảo vệ hành tinh xanh và bảo vệ nguồn tài nguyên cho tương lai.
Nestlé đã xây dựng lộ trình cắt giảm phát thải CO2 theo từng giai đoạn, tiến tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) CO2 vào 2050 trong toàn bộ hoạt động và chuỗi cung ứng của công ty.
Đến năm 2025, 100% bao bì của Nestle có thể tái chế hoặc tái sử dụng. Ngoài ra, Nestlé đã đặt mục tiêu giảm 1/3 việc sử dụng nhựa nguyên chất vào năm 2025.
Vậy cam kết Trung Hòa Nhựa là gì? Trung Hòa Nhựa là chiến lược thu hồi lượng rác thải nhựa tương ứng với lượng sản phẩm nhựa tung ra thị trường để tái chế hoặc tái sử dụng, sao cho lượng rác thải ròng trở về 0.
Cho đến nay, Nestlé Việt Nam đã thực hiện một số sáng kiến với những kết quả đáng khích lệ. Nestlé Việt Nam là công ty hàng tiêu dùng đầu tiên thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy có chứng nhận Quản lý rừng bền vững FSC.
Bắt đầu thử nghiệm từ tháng 3/2020 với các sản phẩm uống liền như Milo Breakfast và Nesvita 5 loại đâu, đến hết Quý 2/2021 công ty đã áp dụng và thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy trên toàn bộ các sản phẩm uống liền của Nestlé. Dự án bao bì này đã giúp Nestlé giảm thiểu trung bình khoảng 700 tấn nhựa dùng trong sản xuất mỗi năm.
Bên cạnh đó, La Vie cũng ra mắt dòng sản phẩm nước khoáng thiên nhiên sử dụng chai nhựa tái chế (rPET) - một loại nhựa được tạo ra từ vỏ chai PET đã qua sử dụng, với quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ đảm bảo tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sáng kiến này của La Vie không chỉ góp phần giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu nhựa mới (nhựa nguyên sinh) mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho các dự án thu gom và tái chế tại Việt Nam.
14:38 ngày 08/12/2021
Ký thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) và Công ty Nestlé Việt Nam
Ông Nguyễn Hưng Thịnh cầm trên tay thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi Trường) với Nestlé tại Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng
14:34 ngày 08/12/2021
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam: 100% bao bì của chúng tôi hoàn toàn có thể tái chế hoặc tái sử dụng vào năm 2025
Ông Binu Jacob tham dự buổi lễ qua hình thức trực tuyến. Ảnh chụp màn hình.
Thế giới đang trải qua rất nhiều các tác động và ảnh hưởng nặng nề với quy mô chưa từng có về những vấn đề toàn cầu như đại dịch Covid-19, các vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... và đặc biệt là vấn đề rác thải nhựa.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ và thải vào đại dương mỗi năm. Đại dịch Covid-19 đang diễn ra, làm gia tăng việc sử dụng các sản phẩm nhựa 1 lần.
Ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đề cập tới tầm nhìn của công ty đối với việc tái chế và tái sử dụng các loại bao bì, cũng như các cam kết của Nestlé tại Việt Nam.
Ông cho biết tầm nhìn toàn cầu của Nestlé sẽ là không có bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải. Tham vọng của công ty là 100% bao bì của chúng tôi hoàn toàn có thể tái chế hoặc tái sử dụng vào năm 2025.
Để tạo ra một hệ thống bền vững và khép kín, ông Binu Jacob cho biết sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chính:
(1) Phát triển bao bì cho tương lai
(2) Xây dựng và định hình một tương lai không rác thải thông qua thúc đẩy hoạt động thu gom và tái chế
(3) Nâng cao nhận thức & Thay đổi hành vi về cách sử dụng bao bì đóng gói. Với tự cách là 1 doanh nghiệp, chúng tôi muốn thu hút sự quan tâm, truyền cảm hứng để thay đổi hành động và tiên phong trong cải tiến.
14:28 ngày 08/12/2021
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Việt Nam phát biểu
Ông Nguyễn Hưng Thịnh phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Việt Hùng
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Việt Nam, đã nêu ra một số thực trạng đáng báo động về rác thải nhựa; từ đó, thấy được tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường. Sau đây là nội dung chia sẻ của ông Thịnh.
Thế giới đang trải qua những tác động cộng hưởng, ảnh hưởng nặng nề với mức độ và quy mô chưa từng có của các vấn đề toàn cầu là đại dịch COVID-19; biến đổi khí hậu; cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải. Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết cứ mỗi phút có 01 triệu chai nhựa được tiêu thụ trên toàn thế giới; khoảng 8 triệu tấn nhựa được thải vào các đại dương mỗi năm, trong đó 40% nhựa được sản xuất là bao bì và bị loại bỏ sau một lần sử dụng. Đại dịch COVID-19 toàn cầu đã làm gia tăng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần bao gồm khẩu trang, găng tay và bao bì thực phẩm, đồ uống…
Tại Việt Nam, theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 64.658 tấn/ngày, tương đương 23,6 triệu tấn/năm, tăng 46% so với năm 2010; chất thải rắn công nghiệp phát sinh khoảng 25 triệu tấn/năm. Ước tính, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, DN.
Rác thải nói chung, rác thải nhựa, bao bì nói riêng khi thải ra ngoài môi trường sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người, hệ sinh thái và các loài sinh vật khác.
Chính vì vậy, quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa, rác thải bao bì đang là vấn đề bức thiết, song lại đang là thách thức hiện nay của các quốc gia trên thế giới bởi tính phổ biến, tiện dụng trong đời sống hàng ngày của các sản phẩm sản xuất từ nhựa, trong khi năng lực tái chế còn rất hạn chế.
Để vừa phát triển kinh tế, vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm do chất thải bao bì nói riêng, trong những năm gần đây, xu thế thế giới đã chuyển sang tiếp cận giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn thay thế cho mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, hướng tới phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín, giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường, mang lại các giá trị về kinh tế, xã hội và môi trường.
Nhận thức rõ vấn đề này, Luật BVMT được Quốc hội Khóa 14 thông qua năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế; BVMT không chỉ là phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải; các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên; tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, Luật cũng đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và hài hòa với quy định của quốc tế để góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về BVMT.
Luật cũng đã thể chế hóa quy định trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế/khó có khả năng tái chế phải thu hồi với tỷ lệ và quy cách bắt buộc hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ hoặc cơ chế đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu.
Luật đã xác định cộng đồng doanh nghiệp (DN) là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp BVMT. Việc thực hiện tốt công tác BVMT không chỉ là trách nhiệm của DN mà còn giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy được vai trò của các DN trong công tác BVMT chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.
Trong những năm vừa qua, ngoài việc thực hiện đúng các quy định pháp luật về BVMT trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mình, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã có nhiều hoạt động, sáng kiến, mô hình thiết thực để BVMT, góp phần làm thay đổi ý thức, thói quen của cộng đồng DN, người tiêu dùng đối với vấn đề BVMT, điển hình như: Tham gia có hiệu quả các chiến dịch, sự kiện quan trọng về môi trường hàng năm; tích cục triển khai các hoạt động cụ thể hưởng ứng Phong trào Chống rác thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ phát động; tiên phong trong áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường; cam kết và thực hiện mục tiêu không có chất thải rắn chôn lấp ra môi trường.
Đặc biệt, Công ty Nestlé Việt Nam là thành viên sáng lập của Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với mục tiêu góp phần vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp bằng việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn. Với những nỗ lực và đóng góp của mình, Công ty Nestlé Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2019; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bình chọn trong Top 3 DN Bền vững năm 2020 trong lĩnh vực sản xuất.
Với vai trò là Cơ quan thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về BVMT trong phạm vi cả nước, Tổng cục Môi trường đánh giá cao ý thức và sự chủ động nổ lực, hành động và phối hợp hiệu quả của Công ty Nestlé Việt Nam với Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT trong việc đồng hành, chia sẽ trách nhiệm giải quyết vấn đề rác thải, quản lý bao bì bền vững nói riêng và BVMT nói chung.
Để góp phần đưa Luật BVMT 2020 đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực sinh động, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn, phát huy những kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua, hôm nay Tổng cục Môi trường sẽ cùng với Công ty TNHH Nestlé Việt Nam công bố Thỏa thuận hợp tác về tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về BVMT và thúc đẩy quản lý bao bì bền vững.
Mục tiêu của thỏa thuận hợp tác nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của chủ thể trong công tác BVMT, nhất là cộng đồng DN và toàn xã hội trong việc thúc đẩy các sáng kiến, mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn; tái chế, tái sử dụng chất thải; quản lý bao bì bền vững theo chu trình khép kín từ thiết kế, sản xuất bao bì từ vật liệu tái chế, thân thiện môi trường, cho đến các giải pháp thu gom, tái chế và tái sử dụng bao bì trong tương lai.
Để thỏa thuận hợp tác này được triển khai đạt kết quả cao, tôi đề nghị:
- Các đơn vị liên quan của Tổng cục Môi trường tổ chức phối hợp làm việc với đơn vị đầu mối của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam để đề xuất các hoạt động triển khai cụ thể ngay trong tháng cuối năm 2021, trong đó tập trung tuyên truyền những nội dung mới của Luật BVMT năm 2020 và đề ra các hoạt động cho năm tiếp theo.
- Các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Môi trường, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các nội dung, quá trình triển khai và kết quả đạt được của thỏa thuận hợp tác.
Tôi tin tưởng rằng, sự tiên phong của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam trong các hoạt động này sẽ lan tỏa, tạo thành phong trào kết nối thêm nhiều DN, cộng đồng DN cùng hành động có trách nhiệm với vấn đề môi trường của đất nước, cùng nhau phát triển bền vững.
Nhân đây, tôi xin trân trọng cảm ơn Ban Giám đốc, các đơn vị liên quan của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, các cơ quan, đại biểu, phóng viên báo chí đã có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Môi trường, cơ quan quản lý nhà nước về BVMT các cấp để thực hiện tốt các quy định pháp luật về BVMT, đồng thời có những đóng góp tích cực cho các mô hình, phong trào về BVMT, quản lý bao bì bền vững trong thời gian qua.
Chúc cho mối quan hệ đối tác của chúng ta ngày càng bền chặt và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Cuối cùng, tôi trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe tới toàn thể các Quý đại biểu, các phóng viên báo chí có mặt trong buổi lễ ký kết hôm nay.
Trân trọng cảm ơn!
14:18 ngày 08/12/2021
Các đại biểu tham dự sự kiện tuân thủ nguyên tắc 5K phòng dịch Covid-19
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Việt Hùng
Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại công ty Nestlé Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng
Bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Truyền thông và Đối ngoại cấp cao công ty Nestlé Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng
14:02 ngày 08/12/2021
Nhiều báo đài quan tâm đưa tin lễ ký kết thỏa thuận và công bố cam kết Trung Hòa Nhựa
Tại buổi lễ có sự góp mặt của các đại biểu thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và đại diện của Công ty Nestlé tại Việt Nam.
- Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Việt Nam;
Ông Nguyễn Hưng Thịnh. Ảnh: Việt Hùng
- Ông Hồ Kiên Trung, Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường;
- Ông Đặng Quốc Thắng, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường;
- Ông Biện Tuấn Anh, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền Tổng Cục Môi trường;
- Ông Vũ Minh Lý, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên & Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường);
- Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc công ty Nestlé tại Việt Nam;
- Ông Fausto Tazzi, Tổng Giám đốc công ty TNHH La Vie, Phó Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam;
- Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại công ty Nestlé Việt Nam;
- Bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Truyền thông và Đối ngoại cấp cao công ty Nestlé Việt Nam.
Bên cạnh đó còn có nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước quan tâm tới dự sự kiện trực tiếp cũng như trực tuyến. Nhiều cơ quan báo chí trong nước cũng đã tham gia đưa tin về sự kiện.
13:41 ngày 08/12/2021
Thế giới: Nhựa thải ra 1 năm bằng tổng trọng lượng dân số toàn cầu!
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) thông tin, trên thế giới cứ mỗi một phút lại có 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được tiêu thụ; và mỗi năm, có 5.000 tỷ túi nhựa dùng một lần được sử dụng.
Hệ quả, mỗi năm thế giới thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường - con số này tương đương với trọng lượng của dân số toàn cầu cộng lại.
Chưa hết, trong suốt 7 thập kỷ qua, hơn 198 triệu tấn nhựa đã được đổ ra các đại dương. Dẫn đến bi kịch mới khi vi hạt nhựa trong đại dương nhiều hơn số sao trong vũ trụ đã biết: Lên tới 12.000 vi hạt trên một lít nước.
Kể từ những năm 1950, tốc độ sản xuất nhựa đã phát triển nhanh hơn bất kỳ loại vật liệu nào khác. Và tốc độ đó đang không ngừng tăng.
National Geographic (Mỹ) trích dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học dự báo, sản lượng nhựa sẽ tăng theo cấp số nhân, từ 2,3 triệu tấn năm 1950 lên 448 triệu tấn năm 2015. Dự kiến sẽ tăng gấp đôi (896 triệu tấn) vào năm 2050.
13:30 ngày 08/12/2021
Việt Nam: Chỉ 27% trong tổng số 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được tái chế
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Ảnh minh họa: Julia Joppien / Unsplash
Bộ TN&MT cũng uớc tính, ở thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, số lượng rác thải nhựa mỗi ngày đưa ra môi trường lên đến 80 tấn.
Nghĩa là, trong 4.000 – 5.000 tấn rác thải mỗi ngày, thì đã có 7% – 8% là rác thải nhựa, nilon. Với thực trạng xả rác thải nhựa như vậy, chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ chìm trong biển rác nhựa và phải đối mặt với nguy cơ “ô nhiễm trắng” (ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon) trầm trọng.