Nhìn lại hệ thống ngân hàng năm 2017, ông có nhận định gì, thưa ông?
Năm 2017 là năm nền kinh tế đạt được nhiều thành quả rất đáng ghi nhận, là năm đầu tiên đạt được cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Đáng chú ý, tăng trưởng đạt 6,81%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong khi lạm phát được kiểm soát rất tốt, ở mức bình quân là 3,5%.
Một điểm sáng nữa là tỷ giá hối đoái được giữ ổn định, VND được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực và trên thế giới; dự trữ ngoại hối tăng cao kỷ lục, gần 52 tỷ USD. Trong thành quả đó, có sự đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, điều mà nhà đầu tư trong nước và quốc tế đánh giá cao là cách thức điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn. Chính vì thế, toàn bộ chương trình tái cấu trúc mà NHNN khởi động, kể cả 5 năm trước cho đến gần đây, đã được đánh giá là bắt đầu phát huy tác dụng tích cực.
Theo đó, năm 2017 là năm khối lượng nợ xấu được xử lý nhanh nhất, tích cực nhất, dự phòng rủi ro cũng tăng lên nhanh nhất và thanh khoản của ngân hàng thương mại ổn định một cách khá vững.
Đặc biệt là khả năng sinh lời được đo bằng 2 chỉ số ROA và ROE tăng lên gần gấp đôi so với năm 2015 và 2016. Cụ thể, ROE bình quân toàn ngành ngân hàng là 11%, đặc biệt có khá nhiều ngân hàng đạt tới 14-15%, bằng với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á.
TS. Lê Xuân Nghĩa
Có thể nói, đó là điều rất đáng mừng. Bởi khi nền tảng tài chính của các ngân hàng được phục hồi vững chắc sẽ là cơ sở để xử lý nợ xấu, thoát ra khỏi khó khăn về tài chính.
Ngay cả các ngân hàng thương mại cổ phần trong diện tái cấu trúc, các ngân hàng được coi là tương đối nhỏ và yếu, cũng có những tiến bộ vượt trội. Thậm chí, cả những ngân hàng được Nhà nước mua lại cũng hoạt động ổn định trong năm 2017 và có ngân hàng đạt lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro ở mức khá ấn tượng.
Về các ngân hàng khác thuộc diện tái cấu trúc giai đoạn 2012-2015 theo chỉ đạo của NHNN đều có chuyển biến tích cực.
Ví dụ như NCB được tự tái cấu trúc thì đạt ngưỡng tổng tài sản tăng lên gấp 3 lần; tăng trưởng mỗi năm từ khi tái cấu trúc đều đạt mức 25% đến 30% - mức tăng khá tốt so với ngành; huy động và cho vay tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước tái cấu trúc; nợ xấu giảm từ trên 5% xuống mức dưới 2% hiện tại, đặc biệt là nợ xấu kể từ ngày chuyển đổi chủ sở hữu là không đáng kể, còn nợ xấu do chủ sở hữu cũ để lại cũng đã được xử lý mạnh mẽ.
Nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản cùng Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội, tốc độ xử lý nợ xấu cũ của NCB những tháng gần đây đã tăng khá nhanh và tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh tốc độ xử lý nợ xấu tồn đọng trong năm 2018.
Đây là một trong những yếu tố thu hút các nhà đầu tư quốc tế tiến vào thị trường ngân hàng.
Tại NCB, kể từ khi tái khởi động lại việc tìm kiếm cổ đông chiến lược với sự tư vấn của một ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ, đã có rất nhiều định chế tài chính quốc tế quan tâm, ký cam kế bảo mật thông tin (NDA) thực hiện xoát xét thẩm định pháp lý (DD) và đang bước vào giai đoạn cuối lựa chọn nhà đầu tư để đàm phán.
Trong cuối năm 2017, đã có 2 nhà đầu tư gửi thư đề xuất (LOI) và một trong số đó đã cùng NCB có buổi gặp mặt báo cáo trực tiếp với NHNN.
Có thể nói, theo các tổ chức tài chính quốc tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2017 đã không tạo nên những thách thức, rủi ro cho kinh tế vĩ mô trong năm qua, cũng như trong dài hạn.
Và đó không chỉ là đóng góp của các ngân hàng thương mại lớn, mà còn có sự đóng góp đáng kể của các ngân hàng thương mại thuộc diện tái cấu trúc, có những bước tiến bộ vượt bậc trong năm 2017 và tạo đà tái cấu trúc tích cực hơn trong thời gian tới.
Năm 2017 cũng là năm cụm từ “phá sản ngân hàng” được đề cập đến nhiều, ông có nhận định gì về việc này?
Trên thực tế, chúng ta đã có những bước đệm để xử lý hàng chục ngân hàng yếu kém, bằng cách giải thể và gần như là phá sản.
Trong giai đoạn sau khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997-2004, 14 ngân hàng đã được xử lý theo hình thức giải thể, phá sản. Nói như thế để thấy, cách thức Việt Nam xử lý “phá sản ngân hàng” từ thời điểm đó đã có những điểm khác biệt với thông lệ quốc tế, đó là chúng ta lựa chọn làm từ từ để tránh đổ vỡ dây chuyền.
Lý do đưa ra chọn này là vì chúng ta không có nguồn lực đủ lớn để có thể làm nhanh, cũng như không có nguồn ngân sách đủ lớn để giải quyết toàn bộ quyền lợi cho người gửi tiền như các nước thời điểm đó như Hàn Quốc, Thái Lan. Chính vì vậy, chúng ta xử lý hệ thống ngân hàng chậm hơn các nước.
Ví dụ như Hàn Quốc làm 3 năm, Thái Lan làm trong vòng 4 năm thì thời gian xử lý của chúng ta dài gấp đôi.
Các công ty mua bán nợ/tài sản (AMC) cũng bắt đầu ra đời tại Việt Nam vào thời điểm đó. Mặc dù không có AMC tập trung, nhưng các AMC của các ngân hàng thương mại cũng góp phần quan trọng để giải quyết nợ xấu.
Một vấn đề tôi muốn đề cập đến, đó là lợi ích của người gửi tiền được giải quyết theo hướng đầu tiên là được bảo đảm 100% ngay cả khi ngân hàng phá sản, mặc dù hồi đó chưa dùng từ “phá sản”, nhưng trên thực tế là phá sản, ví dụ như Ngân hàng Châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, điểm nhấn của năm 2017 là lần đầu tiên chúng ta chính thức đưa vào văn kiện luật pháp cụm từ “phá sản”, với đầy đủ các quy định cụ thể. Đồng thời, trong Luật chốt lại một câu rất là rõ ràng là vẫn đảm bảo lợi ích, quyền lợi của người gửi tiền.
Nói một cách khác, về mặt kỹ thuật, chúng ta có thể giải quyết, xử lý vấn đề tài chính của bản thân doanh nghiệp, của bản thân ngân hàng với doanh nghiệp và người đi vay.
Tóm lại, chúng ta sẽ xử lý gần như là một ngân hàng phá sản và mọi người phải chịu trách nhiệm hữu hạn. Nhưng với người gửi tiền thì cam kết của Chính phủ là không để ảnh hưởng tới lợi ích của họ. Đây cũng là điểm mà chúng ta vận dụng kinh nghiệm của một số nước, kể cả Mỹ và châu Âu.
Như vậy, ở Việt Nam hiện nay, ngoài các ngân hàng được Nhà nước mua lại, đang phục hồi và đàm phán bán cho nước ngoài, thì phần lớn các ngân hàng còn lại, việc tái cấu trúc là để nâng cao hiệu quả hoạt động là chính.
Nói như vậy để hiểu, tái cấu trúc không phải là xấu, mà là việc thường xuyên và liên tục đối với các ngân hàng. Còn với người gửi tiền, có thể tin cậy một cách vững chắc vào hệ thống pháp lý của Việt Nam hiện hành đối với hoạt động ngân hàng, cũng như vào thực thể hệ thống ngân hàng đang hoạt động hiện tại.
Nhìn về tiến trình tái cơ cấu hệ thống trong năm 2018, ông có bình luận gì, thưa ông?
Tôi cho rằng, quá trình này sẽ thuận lợi hơn nhiều so với năm 2017, bởi nền tảng tài chính của hệ thống ngân hàng nói riêng, nền tảng của nền kinh tế nói chung đã tốt hơn.
Thêm vào đó, lòng tin của người gửi tiền, lòng tin của nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào kinh tế vĩ mô cũng cải thiện hơn. Chừng nào lòng tin vào đầu tư kinh doanh vững chắc thì hệ thống ngân hàng mới phát triển tốt được.
Tôi dự kiến năm 2018, về căn bản là sẽ xử lý xong các ngân hàng được Nhà nước mua lại, các ngân hàng thuộc diện tái cấu trúc cũng triển khai được các dự án đã được phê chuẩn và sẽ đạt được những tiến bộ bước đầu dựa trên nền tảng năm 2017.
Hiện NHNN đang hướng rất mạnh vào việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, từng bước ổn định hệ thống một cách lâu dài.