Nên hay không công bố danh sách thí sinh gian lận điểm thi tại Sơn La: Ý kiến của các nhà giáo

Cẩm Mịch |

Tiếp nối vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia tại Hà Giang, lại xuất hiện những trường hợp bị phát giác tại Hòa Bình, Sơn La, với con số lên đến hàng trăm thí sinh. Vậy, các nhà giáo có quan điểm như thế nào về việc công khai danh tính các thí sinh trong vụ gian lận?

Gian lận mang tính chất của "tham nhũng"

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT nhận định: "Theo tôi, cần làm một cách triệt để, công khai, minh bạch danh tính các thí sinh gian lận thi THPT.

Những thí sinh không đủ điểm vào trường cần loại bỏ khỏi các trường đại học hiện tại, nếu thí sinh không tính điểm gian lận vẫn đủ điểm vào trường thì cần công khai phụ huynh, những người có liên quan đến vụ việc để có thể răn đe, hoàn toàn không thể "ém nhẹm" vụ việc đi được".

Cũng đồng tình với quan điểm trên, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI khẳng định: "Quan điểm của tôi là nên công khai minh bạch. Bởi vì đây là một việc rất nghiêm trọng cả về tính chất, phạm vi, mức độ.

Về mức độ, thể hiện ở con số gian lận. Thực ra, nói về gian lận thi cử ở Việt Nam cũng có thể xuất hiện trong nhiều trường hợp, như thí sinh quay cóp, giáo viên sửa tăng 1-2 điểm cũng đã là gian lận.

Tuy nhiên, những trường hợp thí sinh từ không đủ điểm, bài thi bị "điểm liệt", mà nâng lên thủ khoa, thậm chí là thủ khoa trong cả nước, là một sự việc hết sức nghiêm trọng.

Đó là một việc làm hết sức trắng trợn, đến mức vô liêm sỉ. Nâng điểm một môn thi đến 9 điểm, tổng ba môn thi đến 26 điểm là việc làm không thể chấp nhận được. Làm gì có chuyện, bài thi của thí sinh được nâng đến hàng chục điểm mà không hề hay biết?

Về phạm vi, con số bị sửa không phải là ít, cùng một lúc tại nhiều địa phương. Mới chỉ phát giác ở những địa phương với quy mô lớn, còn các địa phương khác có hay không, vậy đây là vụ việc có quy mô lớn và khá nghiêm trọng.

Về tính chất, đặc biệt nghiêm trọng. Tính chất của vụ việc này thực sự quá nghiêm trọng, các thí sinh đều được nâng điểm ở mức rất cao và không phải ngẫu nhiên mà các thí sinh đó đều xét tuyển vào các trường học viện, đại học khối công an, quân đội...

Khi xét tuyển vào đó, không chỉ mang tính chất tuyển sinh mà còn là tuyển dụng. Khi vào học tại các khối trường này, mặc nhiên có biên chế sau khi ra trường".

Nên hay không công bố danh sách thí sinh gian lận điểm thi tại Sơn La: Ý kiến của các nhà giáo - Ảnh 1.

Thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng vụ gian lận mang tính chất của "tham nhũng".

Thầy Ngọc nhấn mạnh thêm: "Vậy, gọi tên chính xác, không chỉ là gian lận trong thi cử mà còn là một hình thức "tham nhũng". Tham nhũng về công việc, tham nhũng chức quyền, không khác gì tham nhũng chạy biên chế.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, trong khi đang đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhắc rất nhiều về việc chống tham nhũng, chống tiêu cực, chạy chức chạy quyền. Chính vì vậy, vụ việc gian lận này nghiêm trọng cả về tính chất, phạm vi và quy mô".

"Nhiều thế lực xấu có thể lợi dụng những đó làm cái cớ để bịa ra một câu chuyện về con của một đồng chí lãnh đạo địa phương đã gian lận.

Việc công khai danh tính cũng có nhiều mức độ, vì vậy, nên công khai ở một chừng mực nào đó để giải tỏa sự tò mò của xã hội", thầy Vũ Khắc Ngọc khẳng định.

TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng: "Những thí sinh có bằng chứng rõ ràng liên quan đến vụ việc gian lận thì phải công khai danh tính và xử lý kỷ luật theo quy chế.

Tuy nhiên, đối với những thí sinh không có được bằng chứng rõ ràng, thì không nên công khai".

Công khai để minh bạch thông tin chính thống

Nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ phân tích: "Cha mẹ làm sai là hại con, cha mẹ chịu trách nhiệm mà thí sinh cũng cần phải chịu trách nhiệm.

Hàng trăm thí sinh gian lận, nhiều thí sinh đã đủ điểm đỗ mà cha mẹ vẫn muốn nâng điểm thì thí sinh có thể lỗi hoàn toàn ở cha mẹ, nhưng với những thí sinh không đủ điểm mà cha mẹ nâng lên đủ điểm thậm chí thành thủ khoa, thì việc thí sinh đó được học trong trường là quá thiếu công bằng với các thí sinh khác. Vì vậy, bây giờ, cần phải xử lý thật công bằng.

Bên cạnh việc công khai danh tính, các thí sinh đó sẽ bị rời khỏi trường, dù cha mẹ gian lận nhưng thí sinh cũng liên lụy trách nhiệm. Các thí sinh phải cố gắng sửa chữa, học hành chăm chỉ để có thể thi lại".

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, những thí sinh này do thiếu sót của cha mẹ, của những người đứng ra sửa điểm, cũng nên tạo cơ hội cho các thí sinh thi lại vào năm tiếp theo, "đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại".

Tiếp đến, với sự phát triển của mạng xã hội như hiện nay, việc công khai, minh bạch thông tin chính thống chính là cách để ngăn chặn những thông tin không chính thống.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên công khai danh tính các thí sinh trong các vụ gian lận vì sợ các thí sinh bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu không công khai, sẽ vô tình gây tổn thương cho nhiều thí sinh khác.

Bởi vì, khi có rất nhiều thí sinh tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La , Hòa Bình… có năng lực thực sự, bài thi được điểm cao thực sự, nhưng vì không công khai, nên cộng đồng có thể nghi ngờ chính những thí sinh điểm cao đó.

Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, hiện tại, mới chỉ khởi tố những người trực tiếp tham gia can thiệp vào điểm thi của thí sinh, còn những người có nhu cầu đưa hối lộ, mua điểm, lại chưa thấy bị khởi tố.

Vì vậy, cần tham vấn thêm ý kiến các luật sư, xem hiện tại đã có chế tài xử lý, nếu đã đủ sức răn đe, thì có thể việc không cần công khai danh tính nữa.

Tuy nhiên, nếu chế tài pháp luật chưa đủ mạnh, đủ nghiêm, thì cần tới các thiết chế đạo đức trong xã hội, cần sự lên tiếng của dư luận, để coi đó là bài học có tính răn đe, không để xảy ra những vụ việc tương tự.

Hơn nữa, nếu quả thực các phụ huynh đó đang công tác tại những vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền thì hoàn toàn không xứng đáng đứng trong hàng ngũ nữa.

Giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI cũng chia sẻ thêm: "Gần đây, báo chí quốc tế cũng đưa tin những vụ gian lận chạy điểm cho con và cách xử lý.

Vậy chúng ta có thể tham chiếu vào đó như một cách xử lý. Bên cạnh đó, trong lịch sử phong kiến, rất nhiều vụ gian lận thi cử bị xử tội rất nặng. Vậy có thể tham chiếu vào lịch sử cũng như thực tiễn trên thế giới để giải quyết".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại