Người gửi tiền nào cũng mong muốn nhận được mức lãi suất tốt nhất. Do đó, gửi tiền kỳ hạn 2 năm thường sẽ có mức lãi suất cao hơn. Hơn nữa, lãi suất ngân hàng đang trong biên độ giảm. Nếu gửi tiền có kỳ hạn một năm được chuyển nhượng sau khi đáo hạn, lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm mới có thể còn thấp hơn.
Vì vậy, nếu không cần sử dụng đến khoản tiền trong hơn 2 năm thì không nên gửi tiết kiệm trong 1 năm rồi rút ra gửi lại, thay vào đó nên gửi trực tiếp trong kỳ hạn 2 năm.
Tuy nhiên, nếu cần sử dụng đến khoản tiền nhàn rỗi sớm hơn thì nên chọn gửi tiền kỳ hạn 1 năm. Hết 1 năm, người gửi có thể rút một số tiền cần ra và chuyển số tiền còn lại vào kỳ hạn mới. Vì nếu gửi kỳ hạn 2 năm thì khi cần dùng đến tiền, khách hàng phải rút trước hạn, không nhận được lãi suất như ban đầu.
Như vậy, có thể thấy, việc lựa chọn gửi tiết kiệm tiền trong 1 năm rồi rút ra gửi lại hay gửi trong 2 năm liền phụ thuộc vào nhu cầu của từng khách hàng. Người gửi phải dựa vào nhu cầu thực tế của bản thân để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.
Nên gửi tiết kiệm kỳ hạn bao lâu là hợp lý?
Để trả lời câu hỏi gửi tiết kiệm kỳ hạn bao lâu hợp lý, người gửi cần căn cứ vào chính nhu cầu sử dụng số tiền gửi tiết kiệm để lựa chọn kỳ hạn thích hợp.
Nếu 3 - 5 tháng tới khách hàng có nhu cầu sử dụng thường xuyên thì gói tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng là hợp lý nhất. Bởi, hầu hết ngân hàng đều áp dụng mức lãi suất tương đương nhau đối với kỳ hạn từ 1 - 3 tháng. Cứ hết 1 tháng khách hàng lại được rút cả gốc lẫn lãi và được quyền quyết định có nên tiếp tục gửi hay không. Khi đó, khách hàng vừa được nhận lãi tiền tiết kiệm, vừa có tiền để sử dụng cho mục đích của mình.
Nếu chắc chắn trong khoảng thời gian 6 - 7 tháng chưa sử dụng đến khoản tiền này thì nên lựa chọn kỳ hạn gửi 6 tháng. Mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng thường cao hơn so với các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng hoặc 5 tháng.
Nếu trong một năm tới khách hàng chắc chắn chưa có nhu cầu sử dụng đến số tiền tiết kiệm đó thì nên lựa chọn gói tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng (tức 1 năm). Đây là mức lãi suất lý tưởng nhất, được nhiều ngân hàng áp dụng chính sách ưu đãi cộng thêm lãi suất nhằm khuyến khích người dùng gửi tiết kiệm.