Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497), trị vì triều Hậu Lê từ năm 1460 đến khi qua đời. Đại Việt dưới thời ông là một quốc gia thịnh thế trên tất cả các lĩnh vực, đất nước phồn vinh, hùng mạnh bậc nhất trong khu vực. Đây cũng chính là giai đoạn giáo dục, khoa cử được coi trọng, vai trò của trí thức rất được đề cao, người tài được vua trọng dụng, hậu đãi.
Vị vua quan tâm phát triển giáo dục
Vua Lê Thánh Tông là người nổi tiếng coi trọng sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhân tài cho đất nước. Chính vua đã cho mở Nhà thái học để lấy chỗ học tập, lập Bí thư các để chứa sách. Đều đặn 3 năm một lần, vua cho tổ chức các khoa thi để tuyển chọn người tài cho đất nước.
Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện các thầy giáo chuyên dạy một Kinh (trong 5 Kinh) nhất định bên cạnh các giáo thụ của Quốc Tử Giám, các huấn đạo ở các huyện phụ trách việc dạy học cho con em nhân dân. Hệ thống các giám sinh nội trú có học bổng với ba loại: Thượng xá, Trung xá và Hạ xá.
Ngay sau khi lên ngôi được 3 năm (1463), vua bắt đầu định lệ bảo kết thi Hương. Theo đó, học trò đi thi không cứ quân dân hay chức dịch, đều từ thượng tuần tháng 8 năm nay đến khai tên ở bản đạo, đợi thi Hương đỗ thì đưa danh sách lên viện Lễ nghi cho thi Hội.
Riêng những kẻ bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa, dẫu có học vấn văn chương cũng không được vào thi. Giấy ghi chức nghiệp của từng cử nhân phải khai rõ xã, huyện, tuổi, lý lịch bản thân và gia đình. Những nhà làm nghề hát xướng, nghịch đảng ngụy quan, người có tiếng xấu thì bản thân và con cháu đều không được dự thi.
Trường thi thứ nhất thi kinh nghĩa 5 bài; trường nhì thi chiếu, biểu, dùng tứ lục cổ thể; trường ba thi thơ dùng Đường luật, phú… bài thi phải trên 3.000 chữ; trường thứ tư thi văn sách, đề ra về kinh sử, thời vụ, 1.000 chữ trở lên.
Trong kỳ thi đầu tiên thời vua Lê Thánh Tông vào năm 1463, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép “Quý Mùi năm thứ 4. Mùa Xuân, tháng Giêng. Bắt đầu định lệ ba năm một lần thi Hội. Bấy giờ ứng cử đến hơn 4.400 người, lấy đỗ 44 người”. Tại kỳ thi này, Trạng Lường Lương Thế Vinh đã được chọn đỗ trạng nguyên.
Theo “Lịch triều hiến chương loại chí”, dưới thời trị vì của mình, vua Lê Thánh Tông thường ngự ra điện Kính Thiên, đích thân ra văn sách về phép trị thiên hạ của các đế vương để chọn ra người tài, lấy đỗ tiến sĩ và đồng tiến sĩ theo thứ bậc khác nhau.
Có lần, 3 người cùng đỗ tiến sĩ một khoa thi là Thế Lịch, Thế Hiển, Thế Vinh. Tương truyền, trước đêm truyền loa, vua nằm mơ thấy ba ông phật thế tôn. Hôm sau, khi 3 ông tân khoa vào lĩnh áo mũ, vua cho là ứng mộng với mình nên mừng lắm, bèn cho đặt tiệc thiết đãi và đọc một câu thơ rằng: Thế Lịch, Thế Hiển, Thế Vinh, tam Thế đồng khoa vinh hiển lịch (nghĩa là: Thế Lịch, Thế Hiển, Thế Vinh, ba ông Thế đỗ một khoa cùng vui vẻ, rạng rỡ).
Nhân tài được coi trọng
Điểm nổi bật trong thời trị vì của Lê Thánh Tông là bấy giờ nhân tài rất được coi trọng. Đúng như bài ký của Đỗ Nhuận đã viết trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu: “Việc lớn trong chính trị của đế vương, chẳng gì gấp bằng nhân tài; chế độ của ta, nhà nước muốn được kỹ càng, tất phải đợi ở hậu thánh. Bởi vì, làm chính trị mà không cốt ở nhân tài, chế độ mà không nhờ ở hậu thánh, thì mọi việc đều còn là cẩu thả”.
Coi trọng nhân tài là thế, năm 1484, vua Lê Thánh Tông đã sai Lễ bộ Quách Đình Bảo lập bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám để đề tên tiến sĩ các khoa khi, vì từ năm Đại Bảo thứ 3 (1442), đời vua Lê Thái Tông, các khoa thi đều chưa có bia đề tên tiến sĩ, lưu danh muôn đời.
Vua Lê Thánh Tông còn giao Đông Các đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn một bài văn ký cho tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu, để nói về ý nghĩa của khoa thi năm 1442 dưới thời Lê Thái Tông. Trong bài văn bia này, Thân Nhân Trung đã khéo vận dụng tri thức tiền nhân, đề cao nguyên khí quốc gia gắn với việc kén chọn và sử dụng nhân tài của các bậc đế vương và đưa ra chân lý bất hủ:
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”.
Để ban thưởng cho những người đỗ đạt cao, triều đình còn ban điều lệ quy định về mũ áo dành cho tiến sĩ. Theo đó, tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) và hoàng giáp mỗi người một mũ phác đầu có hai cánh, lá đề tam sơn bằng thau. Đồng tiến sĩ mũ cũng thế (chỉ kém 2 cánh). Đai của trạng nguyên bịt bạc, làm bằng gỗ tốc hương bọc lụa màu tím than; hoa bạc một cây chín cành nặng 9 đồng cân…
Hiền tài nở rộ, được tạo điều kiện phát tiết tài năng, nên dưới thời vua Lê Thái Tông, đất nước ta đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị trên nhiều lĩnh vực như toán học, thơ ca, văn học... Tiêu biểu như sách “Đại Thành toán pháp” của Lương Thế Vinh, sách “Lập Thành toán pháp” của Vũ Hữu hay hàng trăm tác phẩm văn chương có giá trị của hội Tao Đàn do đích thân vua Lê Thánh Tông làm chủ soái đã sáng tác và để lại cho đời.
Trọng dụng nhân tài là thế nên khi biết tin Trạng Lường Lương Thế Vinh đột ngột qua đời năm 1496, đích thân vua đã làm thơ than khóc, với những câu từ thắm thiết như: Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua/Gióng khách chương đài kiếp tại nhà/Cẩm tú mấy hàng về động ngọc/Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa/Khí thiên đã lại thu sơn nhạc/Danh lạ còn truyền để quốc gia/Khuất ngón tay than tài cái thế/Lấy ai làm trạng nước Nam ta.
Đánh giá về giáo dục, khoa cử thời vua Lê Thánh Tông, sử gia Phan Huy Chú xét rằng: “Khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau càng không thể theo kịp… Chọn người cốt lấy thực tài, không hạn định ở khuôn khổ mực thước, cho nên kẻ sĩ bấy giờ học rộng rãi mà không cần phải tìm tòi tỉ mỉ, tài được đem ra ứng dụng mà không bị bỏ rơi. Trong nước không để sót người tài, triều đình không dùng lầm người kém. Bởi thế, điển chương được lấy đầy đủ, chính trị ngày càng thịnh hưng”.