Việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Công Thương khẳng định không phải là phương án điều chỉnh tăng giá điện như thông tin trên một số trang mạng xã hội và cách hiểu chưa đúng của một số người.
Việc sửa đổi Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện là nhằm mục tiêu đáp ứng với các đòi hỏi từ thực tiễn, bởi Quyết định này đã được ban hành từ năm 2014, hơn 8 năm qua đã có rất nhiều thay đổi trong chính sách năng lượng ở tầm vĩ mô cũng như thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân.
Theo các chuyên gia, việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện là cần thiết, song cần có đánh giá cụ thể về tác động của biểu giá điện bậc thang tới việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
Theo ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện không chỉ áp dụng cho đối tượng khách hàng tiêu dùng điện sinh hoạt mà còn quy định chi tiết cho các nhóm khách hàng sử dụng điện khác như sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp.
Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện còn được tính theo thời gian sử dụng điện trong ngày và theo các cấp điện áp áp dụng cho một số nhóm khách hàng cụ thể… Đối với giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được áp dụng theo bậc thang luỹ tiến - có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Việc nghiên cứu sửa đổi và đưa ra lấy ý kiến về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới đã được triển khai từ cuối năm 2019, nhưng do tác động của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn nên thời điểm này Bộ Công Thương đang tiếp tục thực hiện nhằm sớm hoàn thiện bản Dự thảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Phương án 5 bậc, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện sử dụng dưới 711 kWh/tháng có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm. (Ảnh min họa: KT)
Cụ thể về sự cần thiết của việc sửa đổi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (Quyết định 28/2014/QĐ-TTg), ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết: "Đầu tiên là chúng ta thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị năm 2017, trong đó yêu cầu phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có quy định cụ thể là phải điều chỉnh giá điện áp dụng cho cả cơ sở lưu trú du lịch bằng giá điện sản xuất.
Lý do thứ hai là thực tế sử dụng điện của người dân vừa qua ìũcũng có thay đổi theo thời gian; việc nghiên cứu xem xét các bậc thang biểu giá điện sinh hoạt là cần thiết để phù hợp với thực tế tiêu thụ điện đó; cũng như là có điều chỉnh một số điểm liên quan đến việc cấp điện áp của các biểu giá để phù hợp với các quy định về kỹ thuật của cơ quan có thẩm quyền…".
Về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt, ông Trần Tuệ Quang cho biết, trên cơ sở đánh giá tác động của các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra các nguyên tắc trong quá trình sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, như: đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh; giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đảm bảo cho EVN thực hiện giá bán lẻ điện bình quân được duyệt; Đảm bảo thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản trị doanh nghiệp.
Đồng thời, nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; Khắc phục được một phần tình trạng hóa đơn tiền điện biến động lớn trong những tháng đổi mùa… và khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng xã hội.
Đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định, việc nghiên cứu đưa ra 2 phương án biểu giá điện theo 4 bậc và 5 bậc thay vì 6 bậc như hiện hành cũng đều được quán triệt nguyên tắc “hạn chế tối đa tác động tới các hộ sử dụng điện có mức tiêu thụ thấp và trung bình”.
Cụ thể, đối với Phương án 5 bậc, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện sử dụng dưới 711 kWh/tháng có tiền điện phải trả không đổi hoặc giảm. Đối với phương án 4 bậc, theo đánh giá sơ bộ tác động tăng tiền điện đối với các hộ có mức sử dụng từ 119 - 232 kWh/tháng (đang chiếm khoảng 70% số hộ tiêu dùng điện) là không lớn với mức tiền điện tăng thêm tối đa khoảng 12.000 đồng/tháng/hộ.
Theo GS.VS.TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, lý tưởng nhất vẫn là phương án 3 bậc giá bán lẻ điện, trên cơ sở tính toán theo cung/cầu giờ cao điểm, giờ thấp điểm và ngoài giờ cao điểm và thấp điểm. Nghĩa là nhà cung ứng huy động điện vào giờ cao điểm giá nào thì bán ra giá đó và ngược lại. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng điện Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này nên phương án 5 bậc thang là tương đối phù hợp.
"Đề án có đề xuất phương án 5 bậc tôi thấy hợp lý là vì nó không quá phức tạp trong việc tính toán, lại dễ nhớ và cũng đáp ứng được thực tế của hệ thống điện Việt Nam hiện nay. Chia 5 bậc được rồi nhưng phải làm thêm là mức mỗi bậc bao nhiêu, xác định cho chính xác, hợp lý cả đối với người tiêu dùng và đơn vị cung ứng... đấy là việc mà phải tiếp tục làm..." - GS.VS.TSKH Trần Đình Long cho biết.
Đồng tình quan điểm xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc thang nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, song chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cơ quan quản lý cần có những đánh giá về tác động của biểu giá điện bậc thang tới hoạt động này trên thực tế thực hiện thời gian qua.
Ông Tăng Thế Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chia sẻ: "Mục tiêu chính là chuyển dịch nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Thứ hai là thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có 2 giải pháp cho ngành năng lượng, còn trong tương lai xa thì sẽ áp dụng một số công nghệ để chuyển đổi các loại nhiên liệu trong công nghệ về phát điện…"./.