Quan điểm của người độc thân về chuyện tài chính khi quyết định kết hôn
Hà My (24 tuổi, làm trong lĩnh vực truyền thông tại TP Hồ Chí Minh) chia sẻ rằng có 3 hoàn cảnh để con người bộc lộ rõ bản chất. Đó là khi ở cùng nhau, lúc xung đột về mặt lợi ích và bất đồng quan điểm trên khía cạnh tài chính. Vậy nên ngoài tình cảm, cô bạn xem xét rất nhiều khía cạnh để tính toán đến việc tiến đến hôn nhân.
Chẳng hạn, tìm hiểu về gia đình, họ hàng các mối quan hệ xung quanh có hợp với bản thân, điều kiện kinh tế của cả 2 có đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hàng ngày của nhau và thói quen sinh hoạt của đối phương hợp mình không. “Điều kiện kinh tế còn phụ thuộc vào nhu cầu cuộc sống của mỗi người đến đâu. Theo quan điểm cá nhân, mình không thể dừng lại ở việc đủ ăn đủ mặc là được. Mình muốn có một cuộc sống thoải mái trên nhiều khía cạnh, và tài chính vững vàng là một trong những yếu tố quan trọng để đạt được điều đó. Có thể cho tới lúc thu nhập mỗi người tối thiểu 30-40 triệu/ tháng, mình mới sẵn sàng cho việc kết hôn”.
Hà My
Cũng giống như Hà My, theo Ngọc An (26 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội), khía cạnh tài chính rất quan trọng khi bàn đến chuyện kết hôn. Cô bạn đã từng chứng kiến rất nhiều người quen dù yêu nhau 3-4 năm nhưng vẫn quyết định chia tay, không tiến tới hôn nhau vì bất đồng quan điểm trên khía cạnh tài chính. “26, 27 là độ tuổi mọi người bắt đầu cân nhắc đến chuyện kết hôn. Song, có rất nhiều người bạn của mình đang trì hoãn chuyện kết hôn dù bị bố mẹ giục rất nhiều và cũng đã yêu đương khá lâu vì công việc của bản thân và đối phương chưa ổn định. Cụ thể, cả 2 đều chưa đạt được thu nhập được cho là phù hợp để tiến đến hôn nhân".
Ngọc An cho rằng kết hôn không chỉ đơn giản là dọn về ở chung 1 nhà mà còn là xây dựng tổ ấm, tính toán đến chuyện có con. Với giá cả ngày càng tăng hiện nay, nếu không có tài chính vững vàng, cuộc hôn nhân đó có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn trên khía cạnh tiền bạc. Đối với cô bạn, ở Hà Nội nếu đang đi thuê hoặc mong muốn tự mua nhà, sinh con 1-2 năm sau cưới, thu nhập của cả 2 vợ chồng nên ở mức 40 triệu đồng/tháng.
“Thời đại ngày nay vẫn có những người lấy nhau khi chưa có gì trong tay. Tuy nhiên, chúng ta luôn hướng tới cuộc sống với những điều ngày càng tốt đẹp hơn, cho nên phần lớn mọi người đều cân nhắc câu chuyện tài chính khi kết hôn. Mình cho rằng sống và phải chi li từng đồng thật sự rất mệt mỏi và gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm. Khi tài chính vững vàng, 90% những rắc rối có thể được giải quyết", Hà My chia sẻ quan điểm về chuyện tại sao hiện nay nhiều người coi trọng chuyện thu nhập khi kết hôn trong khi thời trước có những người cưới nhau khi cả 2 thậm chí không có tiền tiết kiệm.
Người đã kết hôn nghĩ gì?
Thu Hà (28 tuổi, Hà Nội) đã kết hôn, có 1 gia đình nhỏ. Cô cho rằng ngoài yếu tố tình cảm thấu hiểu lẫn nhau, để đi đến kết hôn cần thêm sự vững vàng về công việc và tài chính. Thu nhập sẽ tuỳ thuộc vào vị trí nơi mỗi người sinh sống. “Theo mình để sống tại Hà Nội, thu nhập của 2 người ít nhất phải đạt 30 triệu đồng mỗi tháng, vì chi phí sinh hoạt nơi đây khá cao".
Cô bạn chia sẻ rằng câu nói “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” vẫn còn đúng cho đến bây giờ. Tuy nhiên, giới trẻ quan tâm đến thu nhập đơn giản là vì muốn gia đình và con cái có cơ hội được hưởng những lợi ích tốt nhất trong cuộc sống. “Hiện nay, vẫn nhiều người đi trước có quan điểm rằng phải kết hôn rồi mới có động lực kiếm tiền. Thu nhập bao nhiêu mà chẳng đủ sống, miễn là cố gắng chi tiêu hợp lý. Mình không cho rằng quan điểm này sai hoàn toàn, thu nhập thấp vẫn sống được. Nhưng mình luôn hướng tới một cuộc sống với chất lượng tốt hơn. Nền kinh tế bây giờ đã khác, cách vận hành của xã hội cũng như đồng tiền chẳng còn như xưa”.
Thu Hà
Theo Thu Hà, chuẩn bị về tài chính trong bao lâu trước khi kết hôn sẽ còn tùy thuộc vào năng lực phát triển trong công việc của mỗi người. Khi thấy đủ tự tin và cứng cáp để có thể đảm bảo cho tổ ấm của riêng mình, lúc ấy bạn có thể tính đến chuyện kết hôn. Vì áp lực tài chính lớn hơn nhiều so với những gì các bạn trẻ tưởng tượng trước khi kết hôn.
Nó cũng là 1 phần nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình. Thay vì mua sắm cho bản thân như khi độc thân, bây giờ mọi người phải chi tiêu sẽ là điện nước, y tế, tiền nhà, bỉm sữa, tiền học,... Nhiều người quanh đi quẩn lại cuối cùng sau cả 1 tháng, bản thân lại chẳng dám mua 1 bộ đồ mới. “Cho nên mình vẫn cho rằng chuẩn bị 1 nền tảng tài chính vững vàng sẽ giúp bạn tránh được rất nhiều rắc rối có thể xảy ra sau khi kết hôn".