NATO ngày 9-10 bắt đầu triển khai thêm quân đến Romania, củng cố sườn đông để đối phó Nga trong bối cảnh Nga tăng hiện diện ở biển Đen.
“Mục đích của chúng tôi là hòa bình, không phải chiến tranh. Chúng tôi không phải là đe dọa với Nga. Tuy nhiên nhưng về dài hạn chúng tôi cần một chiến lược đồng minh, chúng tôi cần có vị thế mạnh hơn về phòng vệ và chiến đấu trong đối thoại với Nga” – Tổng thống Romania Klaus Iohannis phát biểu tại kỳ họp Quốc hội NATO ở Bucharest (Romania) ngày 9-10.
Lực lượng này từ 10 nước NATO, trong đó có Ý, Canada, Đức, Bulgaria, Bồ Đào Nha, Ba Lan, nhưng phần lớn sẽ là quân Romania.
Con số chính xác lực lượng tăng thêm này chưa được công bố, tuy nhiên sức chứa của một căn cứ quân sự gần TP Craiova ở nam Romania – nơi đóng quân của lực lượng này - có thể chứa một lực lượng quân đa quốc gia NATO tương đương 3 tiểu đoàn, hoặc khoảng từ 3.000 đến 4.000 quân. Số quân này sẽ cộng vào khoảng 900 quân Mỹ đã được triển khai đến Romania trước đó.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Tổng thống Romania Klaus Iohannis tại kỳ họp quốc hội NATO lần thứ 63 ở Bucharest (Romiania) ngày 9-10. Ảnh: REUTERS
Tới đây NATO cũng sẽ tăng cường triển khai tàu chiến ghé thăm các cảng Romania cũng như Bulgaria, thực hiện huấn luyện và tập trận, ngoài lực lượng tuần tra hàng hải NATO đã có trước đó ở biển Đen.
Anh cũng có kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu đến Romania. Canada thì đã và đang tham gia tuần tra không phận Romania. Ý tham gia tuần tra không phận Bulgaria.
“Điều này phát đi tín hiệu về quyết tâm của NATO” - theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại kỳ họp Quốc hội NATO. Ông Stoltenberg sẽ thăm số binh sĩ triển khai mới này trong ngày 9-10.
Ông Stoltenberg cho biết NATO còn có 40.000 quân thuộc lực lượng phản ứng nhanh một khi có xung đột, tuy nhiên khẳng định NATO không muốn cô lập Nga, vì Nga là hàng xóm của NATO: “Chúng tôi không muốn có một cuộc chiến tranh lạnh nữa”.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại kỳ họp quốc hội NATO lần thứ 63 ở Bucharest (Romiania) ngày 9-10. Ảnh: REUTERS
Romania cũng như một số nước NATO ở phía đông còn muốn được NATO cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa.
“Hệ thống Aegis Ashore sẽ tăng thêm sức mạnh ngăn chặn” – theo nhà phân tích Maciej Kowalski tại tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh Ba Lan Casimir Pulaski Foundation, Aegis Ashore là một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Theo NATO, hệ thống Aegis Ashore có thể đánh chặn bất kỳ tên lửa nào của Iran.
NATO triển khai thêm quân đến Romania trong lúc Nga vừa kết thúc đợt tập trận lớn nhất của mình ở khu vực từ năm 2013 đến nay. Cuộc tập trận Zapad diễn ra giữa Nga với Belarus gồm hàng ngàn binh sĩ, xe tăng, máy bay. Địa điểm tập trận là ở Belarus, sườn đông của NATO. Đây là một đợt phô diễn các loại vũ khí mới nhất của Nga cũng như khả năng của Nga trong việc huy động số lượng lớn binh sĩ đến biên giới với NATO.
NATO muốn mở rộng hiện diện đồng minh ở vùng biển Đen vốn giàu dầu khí để đối phó với kế hoạch tạo một “vùng đệm” của Nga ở khu vực này. Tuy nhiên Nga cáo buộc NATO muốn bao vây mình và đe dọa sự ổn định Đông Âu. Quanh khu vực biển Đen, thành viên NATO ngoài Romania còn có Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, Grudia và Ukraine cũng đang mong muốn gia nhập NATO.
Romania đã có hơn 1 năm vận động để NATO tăng hiện diện hàng hải ở biển Đen. Trong khi Bulgaria lo điều này sẽ khiêu khích Nga. Thổ Nhĩ Kỳ thì chỉ ủng hộ NATO đưa quân hạn chế đến Romania.
Việc NATO tăng hiện diện đến Romania chứng tỏ sự thành công ngoại giao của Romania trước NATO. Romania là 1 trong số ít các nước đặt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm nay, một ưu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump.